Các Tổ phó gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn (Tổ phó thường trực); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Các thành viên khác là đại diện của của nhiều bộ.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ Công tác đã ký Quyết định số 51/QĐ-TCTCCTTHC, ban hành Quy chế hoạt động của Tổ Công tác.
Theo đó, Tổ Công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên trong hoạt động của Tổ Công tác và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
Tổ Công tác và thành viên Tổ Công tác không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương. Bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tổ trưởng Tổ Công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành toàn diện về hoạt động của Tổ Công tác; phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên; ban hành chương trình, kế hoạch công tác của Tổ Công tác. Chỉ đạo việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách tại các bộ, ngành, địa phương.
Tổ trưởng Tổ Công tác chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); định kỳ hoặc đột xuất làm việc với Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
Triệu tập và chủ trì các phiên họp định kỳ hoặc đột xuất của Tổ Công tác; chỉ đạo tổ chức các đoàn làm việc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Tổ phó Thường trực giúp Tổ trưởng chỉ đạo, đôn đốc các hoạt động của Tổ Công tác và Cơ quan thường trực Tổ Công tác; thay mặt Tổ trưởng điều hành công tác của Tổ Công tác khi Tổ trưởng vắng mặt; triệu tập các cuộc họp Tổ Công tác theo yêu cầu của Tổ trưởng và nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo bảo đảm các điều kiện làm việc của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ Công tác theo chương trình, kế hoạch chung của Tổ Công tác và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác, đề nghị của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực về cải cách hành chính giúp Tổ trưởng Tổ Công tác chỉ đạo, đôn đốc các hoạt động cải cách hành chính gắn kết với cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thanh tra, kiểm tra công vụ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, sở tư pháp thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thẩm định quy định thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất. Tham mưu việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để tái sử dụng dữ liệu đã có.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp, hỗ trợ trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khi có yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ Công an - Tổ phó thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tham mưu, giúp Tổ trưởng Tổ Công tác chỉ đạo, đôn đốc các hoạt động thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài các nhiệm vụ cụ thể nêu trên, các Tổ phó còn có trách nhiệm giúp Tổ trưởng Tổ Công tác: Chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đạt được các chỉ tiêu định lượng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ thông tin, báo cáo phục vụ hoạt động của Tổ Công tác; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Tổ trưởng Tổ Công tác.
Các thành viên Tổ Công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ trưởng Tổ Công tác sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.
Các thành viên Tổ Công tác theo phân công trực tiếp đôn đốc, làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tình hình, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Tổ trưởng Tổ Công tác định kỳ hoặc đột xuất làm việc với thành viên Tổ Công tác và các bộ, ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Tổ Công tác. Các thành viên Tổ Công tác được quyền giao đơn vị đầu mối chủ trì, huy động các nguồn lực và đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Kinh phí cho hoạt động của Tổ Công tác do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Văn phòng Chính phủ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ Công tác thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.