Người 6 lần tới Trường Sa

Việt Ân Thứ sáu, ngày 01/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Có lẽ không nhiều người có vinh dự ra Trường Sa nhiều như họa sĩ, nhà báo Việt kiều Etcetera Trường Nguyễn.
Bình luận 0

10 năm qua, anh đã 6 lần ra thăm Trường Sa. Trong ngôi nhà vườn của gia đình anh ở Yên Bái có một mô hình cột mốc Trường Sa thu nhỏ. Những dấu ấn biển đảo Tổ quốc đã khắc sâu trong tim nhà báo người Mỹ gốc Việt này.

6 lần đến Trường Sa

Lần đầu tiên Etcetera Trường Nguyễn thăm Trường Sa là chuyến đi đặc biệt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức năm 2012 cho kiều bào xa Tổ quốc. Đó có lẽ là một bước ngoặt thực sự với anh, một người lớn lên trong gia đình di cư từ Bắc vào Nam, rồi sang Mỹ đầu những năm 1990, sống giữa Quận Cam - nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất nước Mỹ, và từng tham gia "chống Cộng" quyết liệt.

Chuyến đi đó bắt đầu với anh không phải không có những ngờ vực, bởi ở Mỹ, các tổ chức cực đoan thường xuyên đưa các thông tin sai lệch về biển đảo Việt Nam, rằng nhà nước đã để mất chủ quyền với nhiều đảo ở Trường Sa. Nhưng những gì tận mắt chứng kiến trong chuyến đi đã thay đổi quan điểm, tâm tư của Etcetera Trường Nguyễn.

gop/Người 6 lần tới Trường Sa - Ảnh 1.

Anh Etcetera Trường Nguyễn trong một lần đi Trường Sa. Ảnh: N.V - M.H

Trở về từ chuyến đi Trường Sa lần thứ 6 đầu năm nay, với kinh phí tài trợ từ một Việt kiều Mỹ, Etcetera Trường Nguyễn có dự định lên một trường học ở Mù Căng Chải vẽ một bức tranh tường khổ lớn minh họa biển đảo Trường Sa đồng thời dựng lên ở đó một cột mốc Trường Sa, để các em học sinh miền núi có thể hình dung về những vùng biển khơi của đất nước.

Xúc động với sự hy sinh của các chiến sĩ, của người dân ở Trường Sa ngày đêm đương đầu với khó khăn thử thách, quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc, trở về Mỹ, anh làm triển lãm ảnh những bức ảnh đã chụp ở Trường Sa. Triển lãm ngay giữa Quận Cam, dù gặp không ít sự phản đối từ những người mang đầy định kiến thù hận thời điểm đó, nhưng cũng góp phần đem lại góc nhìn mới mẻ cho cộng đồng, giúp họ dần hiểu rằng có một sự thật khác so với những thông tin một chiều mà họ vẫn nghe.

Cùng với một vài lần về Việt Nam tác nghiệp trong các sự kiện như APEC 2006, phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2007 về hòa hợp dân tộc năm 2007, thấy những thay đổi ngoạn mục so với thời điểm bỏ đất nước ra đi, chuyến đi Trường Sa năm 2012 trở thành cú hích để Etcetera Trường Nguyễn quyết định trở về hẳn về Việt Nam sinh sống và làm việc. 

Ở Việt Nam, anh hoàn toàn được tự do làm nhiều công việc khác nhau, có lúc anh vác giá vẽ ra bờ hồ Gươm ngồi ký họa chân dung, có lúc tham gia làm sách, nhưng nhiều nhất là những chuyến đi khắp vùng miền của Việt Nam để ghi nhận về con người, văn hóa xã hội, cuộc sống, thời sự và phát trên các kênh YouTube riêng của anh (Vietnam Today). Hàng nghìn clip với hình ảnh đất nước Việt Nam rất sinh động đã được đăng tải, mỗi video thu hút hàng trăm nghìn đến vài triệu lượt xem.

Kể từ đó là 6 chuyến đi ra Trường Sa, gần nhất là chuyến đi đầu năm 2023. Theo lời Etcetera Trường Nguyễn, có một điều anh chứng kiến luôn vẹn nguyên và khiến anh thêm tin tưởng, yêu quý đất nước quê hương, đó là những buổi lễ chào cờ thiêng liêng, những lễ tưởng niệm cán bộ chiến sĩ hy sinh rất xúc động, là sự lạc quan, tinh thần ý chí sẵn sàng giữ trọn vẹn từng tấc đảo, từng dặm biển thuộc chủ quyền của đất nước. Sự thiêng liêng đó, ý chí đó chính là sức mạnh gắn kết người Việt, nhất là những Việt kiều từng xa quê hương nhiều năm như Trường Nguyễn, để họ dẹp bỏ những định kiến và trở về sinh sống, làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của quê hương đất nước.

gop/Người 6 lần tới Trường Sa - Ảnh 3.

Mô hình cột mốc chủ quyền Đảo Trường Sa ở nhà vườn của anh Etcetera Trường Nguyễn tại Yên Bái.

Không gian Trường Sa

Yêu thương Trường Sa đến độ, Etcetera Trường Nguyễn đã nung nấu làm một không gian Trường Sa trong ngôi nhà vườn của vợ chồng anh ở TP.Yên Bái. Đó là quê hương của vợ anh và hai người đã chọn "bỏ phố về quê", rời Hà Nội về sống hẳn tại đây. 

Ở đó, họ làm một khu homestay nho nhỏ với dịch vụ cà phê và lưu trú để đón tiếp bạn bè và du khách. Ở đó có gian phòng vẽ của Etcetera Trường Nguyễn mà anh đặt tên là Trường Sa studio, cũng là tên của homestay. Giữa những bức tranh, những tuýp màu là góc dành cho các món lưu niệm từ vỏ ốc vỏ sò, những viên đá nhỏ trắng xóa nhẵn thín bị nắng gió bào mòn qua thời gian và dường như vẫn còn âm u lời sóng biển.

Trong khu vườn có dựng mô hình thu nhỏ của Cột mốc Đảo Trường Sa. Etcetera Trường Nguyễn cho biết đó là món quà của Lê Lê vợ anh dành cho chồng, bởi chị rất đồng cảm với những hành trình của anh, cả hành trình từ Mỹ về quê hương hay những hải trình Trường Sa suốt nhiều năm tháng. 

Một cây bàng vuông nho nhỏ đang lớn lên ở góc vườn. Một bức tường gắn các tấm biển gỗ, trên mỗi tấm ghi tên một hòn đảo của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa với kinh độ vĩ độ, những Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông, Đá Tây, Sơn Ca, Song Tử Tây, Phan Vinh... Nhiều bạn bè, nhiều đoàn du khách, đoàn học sinh đã ghé qua Trường Sa studio, coi đó không chỉ là nơi tham quan mà còn là nơi để họ tìm hiểu về biển đảo quê hương.

Mang Trường Sa về nhà mình chưa đủ, Etcetera Trường Nguyễn còn muốn gửi gắm tình yêu biển đảo đến các em nhỏ, các cộng đồng dân cư ở vùng sâu vùng xa của Yên Bái. Dành tiền thưởng từ các giải thưởng báo chí trong nước mà Etcetera Trường Nguyễn được trao tặng (như giải Búa liềm vàng), sau đó là kêu gọi khán giả các kênh YouTube của anh quyên góp, hai vợ chồng cùng những người bạn dành nhiều công sức làm việc từ thiện, làm đường, xây cầu, tặng quà cho các gia đình nghèo, cải thiện cơ sở vật chất cho các trường học trên Mù Căng Chải hay Trạm Tấu. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem