Dân Việt

Hàng loạt quốc gia Châu Á bác bỏ cái gọi là "bản đồ tiêu chuẩn 2023" của Trung Quốc

V.N (Theo CNN, BT) 01/09/2023 21:17 GMT+7
Trước việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, hàng loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đã lên tiếng bác bỏ bản đồ này, cho rằng nó vi phạm yêu sách lãnh thổ của họ.

Bản đồ được Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố ngày 28/8 đã bị phản đối mạnh mẽ ở nhiều nước.

Hôm 31/8, Philippines cho biết, họ bác bỏ bản đồ nói trên của Trung Quốc bởi vì nó bao gồm đường đứt đoạn  trên Biển Đông mà Tòa trọng tài Quốc tế đã phán quyết là phi lý hồi năm 2016.

Philippines cho biết bản đồ này "bất hợp pháp và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”, đặc biệt là Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982”, Bộ Ngoại giao  Philippines cho biết.

Philippines kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS cũng như phán quyết trọng tài cuối cùng và mang tính ràng buộc năm 2016.

Hàng loạt quốc gia Châu Á bác bỏ cái gọi là "bản đồ tiêu chuẩn 2023" của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: TuanDA.

Trước đó, hôm 30/8, Ấn Độ là nước đầu tiên thể hiện “sự phản đối mạnh mẽ” với bản đồ mới của Trung Quốc, vì bản đồ này  đưa bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cao nguyên Aksai-Chin đang tranh chấp vào lãnh thổ Trung Quốc.

“Hôm nay chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao với phía Trung Quốc về cái gọi là ‘bản đồ tiêu chuẩn’ năm 2023 của Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ của Ấn Độ” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết. “Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố này vì chúng không có cơ sở".

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar phát biểu: "Chỉ  đưa ra những yêu sách vô lý thì không làm cho lãnh thổ của người khác trở thành lãnh thổ của bạn".

Malaysia cũng cho biết họ không công nhận bản đồ này, coi đây là "một tuyên bố đơn phương" của Trung Quốc, một hành động "khiêu khích". Chính phủ Malaysia sẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc.  Bộ Ngoại giao Malaysia nói rằng bản đồ này không có thẩm quyền ràng buộc đối với Malaysia.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tối qua 31/8 khẳng định: “Việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023,” trong đó bao gồm Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo UNCLOS 1982".

"Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982" - bà Hằng nhấn mạnh.

"Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn. 

Trung Quốc nói rằng đây là “bản đồ tiêu chuẩn” được sử dụng cho “mục đích nội bộ”. Tuy nhiên, tấm bản đồ này được cho  là dấu hiệu cho thấy sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông - tuyến đường thủy quan trọng, chiếm hơn 5 nghìn tỷ USD giá trị thương mại quốc tế. 

Mặc dù năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo UNCLOS 1982 đã đưa ra quyết định nhất trí  bác bỏ các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn kiên quyết từ chối tuân thủ phán quyết đó.

Mỹ  cũng chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Bản đồ mới có khả năng làm phức tạp thêm tranh chấp và có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Kênh NBC dẫn lời Donald Rothwell, giáo sư luật tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, chuyên gia nghiên cứu luật biển, cho biết bản đồ mới của Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột trong khu vực.

Trả lời NBC News hôm 31/8, ông lưu ý rằng mặc dù các quốc gia khác có thể phản đối nhưng hiện tại bản đồ đã được chính phủ Trung Quốc phê duyệt và công bố. Ông cảnh báo hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc “sẽ tìm cách khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc dựa trên bản đồ”.

Theo Rothwell, thời điểm Trung Quốc công bố bản đồ lúc này đặc biệt quan trọng vì ASEAN sẽ họp thượng đỉnh ở Indonesia vào tuần tới. Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.