Dân Việt

Vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác: Lãi suất có thể siêu thấp, nhưng khách hàng phải lưu ý điều này

H.Anh 02/09/2023 09:11 GMT+7
Vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác - đó là quy định được đề cập tại Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay, với nhiều điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.

Thông tư 06 quy định, các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Đặc biệt, quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe.

Hiện tại Vietcombank là nhà băng đầu tiên triển khai quy định này. Theo đó, khách hàng có thể được vay vốn tại Vietcombank với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của ngân hàng.

Đáng chú ý, lãi suất cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác của Vietcombank chỉ từ 6,9%/năm áp dụng trong 06 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Tuy nhiên, nhà bằng này cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

Vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác: Người trong cuộc nói gì? - Ảnh 1.

Vietcombank triển khai chính sách 'vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác'. (Ảnh: VCB)

Thực tế, Thông tư 06 được ban hành đã có không ít người dân đặt kỳ vọng vào quy định này. Anh Công Hiếu (quận 6, TP.HCM) cho biết, hiện tại khoản vay mua nhà của anh đang chịu mức lãi suất là tới 14%/năm.

"Tôi đã tìm hiểu ở một số ngân hàng, mức lãi suất cho vay tại một số ngân hàng dễ thở hơn nhiều so với mức lãi suất tới 14% mà gia đình đang phải trả vài tháng gần đây. Vì vậy, sau nghỉ lễ tôi có ý định sẽ chuyển sang vay của ngân hàng có lãi suất thấp hơn để trả nợ trước hạn khoản vay này theo quy định mới ban hành", anh Hiếu nói.

Theo các chuyên gia tài chính, bản chất của quy định này là mua bán nợ nên có thể tới đây sẽ có sự chuyển dịch khách hàng từ các ngân hàng thương mại cổ phần sang các ngân hàng có vốn nhà nước, do lãi suất đầu ra ở các nhà băng quốc doanh cạnh tranh hơn.

Chưa kể, quy định này còn tác động tích cực, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng với nhau. Các ngân hàng phải cân đối làm sao để giữ được khách hàng của mình thông qua việc đưa ra một lãi suất phù hợp. Khi đó, nếu tổ chức tín dụng nào cạnh tranh tốt, các điều kiện tín dụng thuận lợi thì có thể người vay vốn sẽ tới đó nhiều hơn.

Vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác: Người trong cuộc nói gì? - Ảnh 2.

Lo ngại tính "thực tiễn" của quy định khách hàng được vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác

Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank thừa nhận, người đi vay sẽ được lợi hơn khi thị trường lãi suất cạnh tranh bởi các quy định của Thông tư 06 có hiệu lực. "Thị trường tài chính tiêu dùng lãi suất sẽ dễ chịu hơn, hay nói cách khác muốn giữ được khách, ngân hàng phải có lãi suất phù hợp với cung cầu thị trường tại từng thời điểm", ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, các khoản vay ưu đãi thường lãi suất thấp trong một khoảng thời gian nhất định và thả nổi vào thời kỳ sau. Trong thời kỳ ưu đãi lãi suất cho khách hàng, ông Hưng cho biết các ngân hàng phải "gánh" lỗ. Do đó, trong hợp đồng tín dụng luôn luôn có điều khoản về phí trả nợ trước hạn để bù đắp cho khoản lỗ đó trong trường hợp khách hàng không giữ cam kết và "phá" hợp đồng trước thời hạn.

"Lúc đó khách hàng phải cân nhắc rằng, phí trả nợ trước hạn đó cộng với ưu đãi mình nhận trong tương lai khi vay mới tại ngân hàng khác để trả nợ trước hạn có đủ lớn, đủ tốt hoặc lợi hơn so với việc duy trì hợp đồng hiện tại hay không. Ngoài ra còn có những vấn đề khác phát sinh chẳng hạn như phải đi công chứng giải chấp, thế chấp lại, đăng ký giao dịch đảm bảo,… có khi mất thời gian và liệu những công sức và khoản tiền bỏ thêm có bù được khi lãi suất giảm xuống", ông Hưng lưu ý.

Một số lãnh đạo ngân hàng khác cũng tỏ ra lo ngại tính "thực tiễn" của quy định khách hàng được vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác. "Không loại trừ cả trường hợp các ngân hàng sẽ nâng mức phí phạt trả nợ trước hạn để hạn chế khách hàng chuyển sang ngân hàng khác để vay vốn", vị lãnh đạo ngân hàng này nói thêm.

Nói về quy định mới này, chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, thực tế thì không phải vấn đề nào cũng không có rủi ro, tuy nhiên trong trường hợp này yếu tố rủi ro không đáng kể và các ngân hàng sẽ kiểm soát được.

"Tôi nghĩ quy định cho vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác là tốt, nên làm. Lý do là vì đã là ngân hàng thì họ sẽ có các quy trình chuẩn, những quy định, cơ chế kiểm soát tốt để cho vay chứ không phải cho vay tùy tiện. Nhất là trong thời gian gần đây, những tiêu chí như áp dụng Basel, quy trình kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn… khi đó khách hàng được vay thì phải đáp ứng được các tiêu chí, các yêu cầu đặt ra với các khoản vay này", ông Phương nói.