Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, số ngày nghỉ tối đa của người dân lên đến 4 ngày. Có người lựa chọn về quê thăm gia đình, có người du lịch "xả stress" sau những ngày làm việc mệt mỏi nhưng cũng có người tiếp tục mưu sinh.
Sau nhiều ngày tính toán, cân nhắc chị Nguyễn Hải Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định ở lại Hà Nội làm việc thay vì về quê nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Chị Hải Anh cho biết: "Năm nay dù nghỉ lễ dài nhưng kinh tế khó khăn nên vợ chồng tôi quyết tâm ở lại Hà Nội. Tôi đăng ký làm thêm 2 ngày còn 2 ngày thì cho các con đi chơi mấy điểm tại Hà Nội".
Cũng theo chị Hải Anh, chị quyết định ở lại Hà Nội dịp lễ là bởi không đặt được xe về quê, hơn nữa kinh tế khó khăn, chị quyết định ở lại đăng ký làm thêm để tăng thu nhập. Hiện tại chị đang làm nhân viên bán hàng online cho một tiệm đồ thời trang. Bình thường tiền lương của chị là 200.000 đồng/ngày, nhưng nếu làm nghỉ lễ này bà chủ quyết định trả 400.000 đồng/ngày. Chưa kể tiền thưởng cho nhân viên đăng ký làm thêm là 1 triệu đồng, thay vì 500.000 đồng/người.
Tương tự như chị Hải Anh, chị Đặng Phương Anh - nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng chấp nhận đi làm dịp nghỉ lễ để nhận gấp 2 lần tiền lương ngày thường. Gia đình và bạn bè chị lên kế hoạch đi du lịch nhưng hầu hết các địa điểm đều quá tải. Không chỉ vậy, chi phí, giá cả cũng đắt đỏ hơn rất nhiều.
Chị lựa chọn đi làm và xin nghỉ làm, du lịch sau dịp lễ 2/9. “Là sinh viên vừa ra trường, tôi luôn làm việc chăm chỉ, không ngại tăng ca để có cơ hội lên nhân viên chính thức. Đồng thời, ở lại Hà Nội cũng tiết kiệm được khoản tiền mua vé về quê”, chị Phương Anh tâm sự.
Không có may mắn được nhận thưởng hay tăng lương khi làm tăng ca, làm ngày lễ Quốc khánh 2/9 nhưng nhiều lao động tự do vẫn miệt mài mưu sinh, mong sẽ có thêm chút thu nhập lo cho cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Lâm (42 tuổi, quê ở Nam Định) là lao động tự do. Chị ra Hà Nội được 5 năm làm công việc bán hàng rong - chủ yếu là đồ ăn uống lặt vặt. Chị Lâm cho biết, mấy năm rồi hết dịch Covi-19 khiến kinh tế khó khăn, hàng quán đóng cửa nên việc buôn bán của chị cũng bị ảnh hưởng.
"Tôi bán hàng rong, chủ yếu là đồ ăn vặt. Ngày bình thường kiếm được một hai trăm nghìn, ngày lễ này nếu may mắn có thể kiếm được hơn 1 chút, nhưng cũng vất vả lắm", chị Lâm kể.
Theo chị Lâm, một ngày làm việc vào ngày lễ 2/9 của chị kéo dài từ lúc 6 giờ sáng tới 11 giờ tối. Sáng 6 giờ chị đi chợ đầu mối lấy hoa quả, về gọt, ngâm, dầm. Chị luộc cả khoai, làm bánh... sau đó hơn 7 giờ thì quẩy gánh hàng rong đi khắp phố cổ. Lúc mỏi chân chị dừng lại ở tuyến phố đi bộ để ngồi nghỉ và bán hàng.
10 giờ sáng ngày 2/9, thời tiết tuy vào thu nhưng thời tiết Hà Nội nóng như đổ lửa. Sau 4 tiếng quẩy gánh hàng rong khắp phố phường, chị Lâm dừng chân lại phố Tràng Tiền ngồi nghỉ. Gương mặt mướt mồ hôi, giọng nói khàn khàn như sắp ốm, nhưng chị Lâm vẫn cố ngồi bám trụ bán hàng bởi "cả năm mới có vài ngày nghỉ lễ, bán hàng được dễ dàng hơn".
"Nguyên tắc là không được ngồi ở đây đâu, gặp nhân viên an ninh, trật tự của phường là họ lùa, bắt giải lên phường xử phạt đấy. Nhưng tôi quen rồi, cứ ngồi bán, thấy trật tự đi đuổi thì mình chạy thôi", chị Lâm nói.
Khác với những ngày thường, ngày lễ Quốc khánh 2/9, người dân kéo về tuyến đường đi bộ cạnh Hồ Gươm cũng đông hơn thường nhật vì thế chị Lâm bán được nhiều hàng hơn. Chị Lâm cho biết, từ sáng tới giờ chị đã bán được hơn 1kg sấu, 2kg khoai luộc, 1kg lạc luộc và 50 chiếc bánh đường... Nhẩm tính chị cũng bán được 600.000 đồng tiền hàng.
"Sắp tới đầu năm học mới, chồng tôi ở quê đã báo lên các khoản tiền mua sách vở, tiền quần áo... của con hết 2,5 triệu đồng, chưa kể tiền học phí. Tôi cố đi làm kiếm thêm mấy đồng về đóng học cho các con", chị Lâm kể.
Chị dự tính làm qua ngày lễ, tới đầu năm học mới sẽ về thăm nhà, thăm con 1-2 ngày. Khi được PV hỏi về mong ước của chị trong ngày lễ, chị Lâm nghẹn ngào: "Tôi chẳng mong ước gì, chỉ mong các con khỏe mạnh, học giỏi. Vậy là tôi vui rồi chẳng cần gì thêm".
Dịp nghỉ 2/9 này, khách du lịch từ các tỉnh đổ về các điểm du lịch tại Hà Nội đông hơn, bởi vậy nhu cầu đi lại cũng cao hơn. Đây là cơ hội cho nhiều lái xe ôm công nghệ tăng cuốc, kiếm thêm tiền.
Anh Nguyễn Mạnh Tiến, 25 tuổi một lái xe công nghệ nghiệp dư (quê Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi vốn là dân văn phòng, đợt này nghỉ lễ tôi quyết định ở lại Hà Nội chạy xe kiếm thêm thu nhập. Chạy xe những ngày này, tiền cước cao hơn 0,5%, chưa kể số cuốc tăng nên mỗi ngày cũng kiếm được kha khá.
"Ngày 1/9 tôi tổng kết, trừ tiền xăng xe thu được 700.000 đồng. Bình thường tôi phải chạy 4 ngày mới được số tiền này. Tôi dự tính chạy nốt ngày mai 3/9, tối tôi sẽ tranh thủ về nhà 1 ngày rồi quay lại làm việc", anh Tiến nói.
Những lao động chấp nhận làm xuyên dịp lễ như chị Hải Anh, chị Lâm, anh Tiến đều có chung một mong mỏi giản dị là được trở về quây quần bên mâm cơm gia đình. Thế nhưng, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trên đôi vai khiến họ không cho phép bản thân nghỉ ngơi, tiếp tục lặng lẽ mưu sinh trong ngày lễ.