Cảnh giác khi đặt xe tiện chuyến, xe ghép về quê dịp lễ Quốc khánh 2/9

Thùy Anh Thứ năm, ngày 31/08/2023 16:01 PM (GMT+7)
Hôm nay ngày cuối làm việc trước thềm kỳ nghỉ lễ 2/9, người dân đã chuẩn bị phương án để về quê. Nhiều người chọn cách đặt xe tiện chuyến, xe ghép… để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng họ có thể bị lừa hoặc rước bực vào người.
Bình luận 0

Nhiều người chọn xe ghép, tiện chuyến về quê nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Để chuẩn bị về quê dịp lễ Quốc khánh 2/9, chị Lan Anh (quê Thanh Hóa) đã phải chuẩn bị đặt xe khách từ 1 tuần trước. Nhà có 5 người vì thế việc di chuyển khá cồng kềnh, lại tốn kém nên chị tính toán nhiều phương án để vừa tiện lợi vừa tiết kiệm.

"Lúc đầu tôi tính gọi xe tiện chuyến, vì bình thường di chuyển bằng taxi tiện chuyến khá rẻ, lại nhanh, nhưng ngày lễ thì ít có xe nào tiện chuyến thường phải bao cả chuyến hoặc ghép xe. Nhà đông người ghép xe không được mà thường tôi phải thuê nguyên một xe 5 chỗ hoặc 7 chỗ. Giá xe 5 chỗ ngày lễ này rẻ cũng phải 1,5 triệu đồng -1,7 triệu đồng (cho 150km)", chị Lan Anh chia sẻ.

 Chính bởi vậy, nên chị chọn phương án đặt xe khách để cả nhà di chuyển. Nếu đặt xe khách thì vé xe chỉ 200 nghìn/1 người, cả nhà 5 người hết 1 triệu đồng. Tính cả tiền taxi di chuyển hết khoảng 200.000 (2 lượt) ra điểm đón xe nữa vậy là chị có thể tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng tiền xe. Khoản tiền đó chị dùng để mua quà thăm hỏi mọi người ở quê.

nghỉ lễ 2/9

Sợ chen chúc ở bến xe khách, nhiều người lựa chọn đặt xe ghép hoặc xe tiện chuyến. Ảnh: Quang ĐÌnh

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn đặt được xe khách như chị Lan Anh. Anh Nguyễn Văn Nam cùng quê Thanh Hóa cho biết, sáng nay anh gọi đặt xe  limousine (mấy hãng xe Vip- Phóng viên) về quê nhưng mấy hãng xe đều kêu hết vé.

"Giá vé cho 1 lượt di chuyển đưa đón tại nhà là 280 nghìn đồng, tuy nhiên hãng này nói đã hết vé các ngày 31/8 và 1/9 chỉ còn vé ngày 2/9 và chiều ra các ngày 6-7-8/tháng 9", anh Nam nói.

Anh Nam cho biết, anh cũng mới về quê nên khả năng sẽ không về nữa. Tiện có xe bạn bè, người quen về thì sẽ về cùng.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, lao động sẽ được nghỉ 4 ngày. Bắt đầu từ ngày 1/9 (thứ 6) tới hết ngày 4/9 (thứ 2). Lao động chính thức đi làm lại vào thứ 3, tức ngày 5/9.

Cẩn thận kẻo bị cho "leo cây" khi đi xe ghép ngày lễ Quốc khánh 2/9

Cùng chung tâm trạng, nhiều người không đặt được vé xe khác, sợ cảnh đông đúc, chật chội nên nhiều người chọn cách đặt xe ghép, hoặc tiện chuyến. Tuy nhiên, không ít trường hợp vớ phải lừa đảo.

Chị Nguyễn Thị Thanh 40 tuổi (Nghệ An) cho biết, lần nghỉ lễ 30/4 vừa qua chị đã bị một kẻ xấu lừa đảo. "Anh ta nói chạy taxi, có xe tiện đưa khách ra Hà Nội quay đầu về Nghệ An vào ngày 28/4 và nói để chắc chắn tôi cọc cho anh ta 300.000 đồng. Lúc đầu tôi không đồng ý vì sợ lừa thì anh ta nói, lỡ đâu em nhận của chị rồi chị lại không đi đến lúc đó lại nhỡ lịch. Nghe lời anh ta nói kèm chụp xe tôi tin và chuyển cọc cho anh ta 200.000 đồng nhưng đến ngày hẹn thì anh ta mất hút. Tìm trên facebook không thấy, gọi điện không được", chị Thanh kể lại.

ngày 2/9

Nhiều người có kinh nghiệm khuyến cáo hàng khách nên tìm đến nhà xe uy tín để đặt xe thay vì đi xe tiện chuyến. Ảnh: Nguyễn Liên

Trường hợp lái xe yêu cầu đặt cọc rồi hủy chuyến hoặc khách đặt xe rồi "bom" không đi nữa là chuyện khá phổ biến khi đi xe ghép hoặc xe tiện chuyến.

Chị Nguyễn Thị Lanh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) từng đi xe tiện chuyến chia sẻ: "Lúc đầu ngỡ rằng đi tiện chuyến giá rẻ, xe chạy nhanh không đưa đón khách nhưng không phải. Tôi đi từ quê ra bình thường taxi lấy 1,7 triệu đồng, nhưng đi xe tiện chuyến họ lấy có 700.000 đồng, nhưng xe chạy chậm, tạt qua nhiều điểm, lấy hàng. Bác tài thì không biết đường, xe cũ... đi xe như đánh vật, mẹ con tôi say xe quá khổ", chị Lanh kể lại.

Ông Nguyễn Đình Quảng - chủ hãng xe khách Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chia sẻ, tốt nhất hàng khách nên chọn cho mình một hãng xe uy tín. Nên sắp xếp lịch làm việc, đặt xe sớm tránh cảnh hết vé. Nếu không đặt được vé xe khách tuyến cố định, buộc phải di chuyển bằng xe tiện chuyến thì nên thỏa thuận trước về giá, cung đường, chụp lại thỏa thuận để tránh phát sinh, tranh cãi sau này.

"Hạn chế việc đi xe tiện chuyến bởi ngay tên gọi cũng ẩn chứa sự may rủi vì nó "tiện" thôi, chứ không chắc chắn, chuyên nghiệp như xe khách tuyến cố định. Chưa kể, khi xảy ra rủi ro, tai nạn hay gặp bất chắc thì hàng khách sẽ không được bảo vệ, không có bảo hiểm chi trả", ông Quảng lưu ý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem