Chị Nguyễn Thị Trang (Quảng Xương, Thanh Hóa) cùng với em gái về quê nghỉ lễ quốc khánh 2/9. Năm nay, công ty chị chỉ được nghỉ 3 ngày, vì thế mãi chiều tối 1/6 chị mới về tới quê. Vừa chơi được 2 hôm chị lại rục rịch chuẩn bị khăn gói lên đường ra Hà Nội làm việc.
"Từ giờ tới cuối năm tôi bận, cũng không còn ngày nghỉ để về quê nên nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh, tôi xin phép về quê. Nhưng về quê tôi cũng chẳng đi đâu, chỉ toàn ở nhà cùng bố mẹ. Tôi dự định chiều nay (3/9) sẽ ra lại Hà Nội làm việc", chị Trang nói.
Chị Trang cho biết thêm, vì nhà không có xe riêng, lại phải bắt xe khách nên chị muốn ra sớm hơn 1 ngày để tránh việc tắc đường, nhân thể ra sớm 1 ngày dọn dẹp nhà cửa và nghỉ ngơi trước ngày đi làm.
Cũng may chị Trang đã bắt được 1 chiếc xe tiện chuyến, giá rẻ chỉ 700 nghìn/2 ghế cho 2 người. Xe đưa đón tận nhà.
Cùng chung tâm trạng, sợ tắc đường nên anh Nguyễn Văn Lâm (Nghệ An) cùng vợ con đã khăn gói chuẩn bị ra Hà Nội từ chiều tối ngày 3/9 dù anh được nghỉ hết ngày 4/9. "Tâm lý chung, cả năm mới có được 1-2 đợt nghỉ dài ngày về quê chơi, thăm bố mẹ nên ai cũng muốn ở nhà dài dài. Tuy nhiên, nếu chơi cố thì e là ngày mai mọi người di chuyển ra đông lắm nên tôi lựa đi trước", anh Lâm chia sẻ.
Vì chủ động đặt xe từ sớm, nên gia đình anh đã đặt được vé xe khách, giá rẻ. Chỉ 350 nghìn đồng/1 người. Giá không tăng, mà còn rẻ hơn nhiều so với gọi taxi.
Thay vì quay trở lại Thủ đô đúng ngày làm việc, hay ra sớm hơn, nhiều lao động chọn giải pháp xin nghỉ phép kết hợp với nghỉ lễ để kéo dài thời gian nghỉ ngơi, sum họp cùng gia đình.
Gia đình anh Dương Văn Minh (Tp. HCM) quê ở Thanh Hóa là một ví dụ. Vì gia đình ở xa, nên mỗi năm gia đình anh chỉ về được 1-2 lần. Năm nay gia đình anh dự định ăn Tết trong TP Hồ Chí Minh nên đợt này anh chị quyết định xin nghỉ phép kết hợp về quê (2 bên nội ngoại) chơi dài dài để Tết không về nữa.
"Chúng tôi được nghỉ 4 ngày lễ và xin nghỉ phép thêm 6 ngày nữa là tròn 10 ngày. Về quê vừa đi du lịch, vừa thăm thú họ hàng, cũng có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi. Chưa kể về sớm đi muộn tránh cảnh đông đúc ở sân bay, cũng giảm được chi phí vì không phải đi vào những ngày đông đúc, giá vé đắt", anh Minh chia sẻ.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết theo quy định, Bộ Luật Lao động năm 2019 lao động có ký hợp đồng lao động được nghỉ phép hàng năm. Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đủ 1 năm trở lên thì được nghỉ 12 ngày; 14 ngày với lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật; nghỉ 16 ngày với người làm các công việc độc hại.
Lao động làm việc thêm 5 năm thì được cộng thêm 1 ngày nghỉ phép. Lao động có thể nghỉ phép nhiều lần trong năm hoặc gộp 3 năm một lần tùy thỏa thuận với chủ sử dụng.
Như vậy theo ông Quảng, thời điểm này nếu muốn kéo dài ngày nghỉ lao động có thể chủ động xin nghỉ phép thêm. Tuy nhiên, thời gian nghỉ phép cần báo trước cho chủ sử dụng để họ chủ động, bố trí sắp xếp công việc.
Trong trường hợp đột xuất thì phải báo cáo với đơn vị, chủ sử dụng lao động, thương thảo ngày nghỉ, được sự cho phép thì lao động mới được nghỉ.