Dân Việt

Ai chịu trách nhiệm vụ thiếu niên 16 tuổi điều khiển ô tô tông hàng loạt xe dừng đèn đỏ?

Quang Trung 03/09/2023 13:20 GMT+7
Theo cơ quan chức năng, ô tô tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ trên Quốc lộ 1 vào sáng 2/9 do nam thiếu niên 16 tuổi điều khiển, không chú ý quan sát. Vậy trong vụ việc này, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Thiếu niên 16 tuổi điều khiển ô tô tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ

Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo về vụ tai nạn ô tô tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong.

Clip: Ô tô tông xe máy chờ đèn đỏ trên Quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nguồn: BĐCC

Theo đó, vụ tai nạn xảy ra vào lúc 6h34 ngày 2/9 tại Km 1604 + 750, khu vực tín hiệu đèn giao thông dẫn vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Thời điểm này, Nguyễn Chí Hào (16 tuổi, trú huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) điều khiển ô tô con BKS 60A-668.00 lưu thông hướng Bình Thuận đi Ninh Thuận, đã tông vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ cùng chiều phía trước.

Cú tông mạnh làm 5 người đi xe máy bị thương, trong đó một người bị thương nặng. Ô tô và các xe máy bị hư hỏng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế Nguyễn Chí Hào điều khiển ô tô không chú ý quan sát, gây tai nạn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng không phát hiện tài xế Hào có nồng độ cồn và ma tuý.

Toàn bộ vụ tai nạn được camera của xe đi theo chiều ngược lại ghi lại. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông, đèn đỏ đang ở giây thứ 26, lúc này ô tô tránh xe tải cùng chiều phía trước nên lao sang phần đường xe máy đang dừng.

Người điều khiển xe hay người giao xe chịu trách nhiệm?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng – Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, từ thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, thấy đây là vụ tai nạn có dấu hiệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ.

Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, xem xét các dấu vết để lại hiện trường nhằm xác định yếu tố lỗi của các bên, trích xuất dữ liệu camera thời điểm xảy ra tai nạn, trưng cầu giám định thương tích các nạn nhân, định giá tài sản thiệt hại. Đặc biệt xác định độ tuổi thật của nam tài xế lái xe con.

Theo luật sư Đồng, trường hợp tài xế điều khiển chiếc xe gây tai nạn chưa đủ 18 tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển xe ô tô và chưa có giấy phép lái xe, thì người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bởi, theo Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi (18 tuổi trở lên với các xe có tải trọng theo quy định), sức khỏe quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Trong khi đó, Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác…sẽ cấu thành tội phạm này.

Ai chịu trách nhiệm vụ thiếu niên 16 tuổi điều khiển ô tô tông hàng loạt xe dừng đèn đỏ? - Ảnh 3.

Cú tông mạnh làm 5 người đi xe máy bị thương, trong đó một người bị thương nặng. Ô tô và các xe máy bị hư hỏng. Ảnh: CTV

Như vậy, trong vụ tai nạn giao thông trên, bước đầu chưa có hậu quả chết người, nhưng yếu tố lỗi cơ bản có thể quan sát được là tài xế chưa đủ điều kiện lái xe, điều khiển ô tô thiếu chú ý quan sát, không chấp hành tín hiệu đèn tín hiệu...

Hậu quả thương tích và thiệt hại tài sản là có, vì vậy cơ quan chức năng sẽ xác định cụ thể thương tích của các nạn nhân và giá trị tài sản bị thiệt hại là bao nhiêu để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Từ phân tích trên, luật sư Đồng nêu quan điểm, trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện, mức phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô.

Còn theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền nhưng không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

Trường hợp nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính, không áp dụng hình thức phạt tiền. Ngoài ra, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền, tiền phạt không quá 1/2 mức áp dụng với người thành niên. Đồng thời bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn nêu trên.

Còn trường hợp hành vi của tài xế đến mức phải xử lý hình sự, người này có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.