Đập thủy điện Thác Bà, Yên Bái hoàn thành vào những năm 1971 – 1972, đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó, với chiều dài hơn 80km, diện tích 23.400ha.
Hồ thủy điện Thác Bà chứa trên 3,9 tỉ mét khối nước và có một hệ sinh vật phong phú thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.
Cận cảnh loài cá “lạ” xuất hiện trên hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
Sản lượng thủy sản hồ Thác Bà hàng năm đạt trên 11.000 tấn. Cá hồ Thác Bà được coi là đặc sản quý của tỉnh Yên Bái và cả vùng Tây Bắc rộng lớn, với các loài cá chủ lực như: cá rô phi vằn, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá mè, cá chép, cá ngạnh, cá nheo…
Những năm gần đây không biết từ đâu hồ Thác Bà đã xuất hiện một loài cá lạ với vẻ ngoài rất bắt mắt. Mình cá màu vàng như khoác trên mình chiếc long bào.
Mắt cá đen lánh, trên thân có nhiều đốm đen; đầu gù như cá La Hán có khả năng săn mồi dữ tợn, mà người dân vùng hồ Thác Bà gọi đây là “hung ngư” – cá ác, nhưng lại có cái tên mỹ miều “cá Hoàng Đế”.
Để tìm hiểu về loài cá lạ này, người viết bài đã tìm gặp ông Phạm Văn Đại – Đội trưởng đội đánh cá, thôn Trung Tâm, xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (một ngư dân có thâm niên gần 30 năm làm nghề đánh bắt cá trên hồ Thác Bà), anh Đại cho biết: Giống cá lạ này mới xuất hiện ở hồ Thác Bà cách đây khoảng hơn 3 năm.
Chúng sống ở vùng nước sâu, mình cá có màu vàng nhạt, trên lưng có ba sọc màu đen, mắt cá đen, ở đuôi có một chấm đen khá lớn, bao quanh là một vòng màu vàng.
Loài cá này có khả năng sinh sản mãnh liệt. Lúc còn nhỏ, chúng đi theo đàn, mỗi đàn có đến vài ngàn con, khi lớn chúng phân tán không đi theo đàn.
Loài cá này có miệng rộng, bộ răng nhỏ và sắc nhọn, là loài cá ăn thịt săn mồi với tốc độ nhanh; cá ăn tạp, đặc biệt là chúng ăn tất cả các loại cá nhỏ hơn chúng (khi bắt được loài cá này thì trong bao tử con nào cũng có cá con).
Mình cá Hoàng Đế xuất hiện trên hồ Thác Bà (Yên Bái) có màu vàng nhạt, trên lưng có ba sọc màu đen, mắt cá đen, ở đuôi có một chấm đen khá lớn.
Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thắng Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Yên Bái về việc có loài cá lạ xuất hiện trên hồ Thác Bà, ông Thắng cho biết: Sau khi nghe người dân phản ánh về loài cá lạ xuất hiện trên vùng hồ Thác Bà, đơn vị đã cử cán bộ chuyện môn kiểm tra xác minh thì xác định đây là loại cá có tên tiếng Anh là Peacock Bass, tên khoa học Cichla ocellaris, thuộc họ cá Hoàng Đế.
Cá Hoàng Đế sinh sản hữu tính, mỗi lần đẻ 2.000 – 3.000 trứng, có sức chịu đựng cao với mọi môi trường thời tiết, con to trưởng thành có thể đạt 2,5kg.
Đây không phải là giống cá bản địa và Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái cũng không nuôi, thả loại cá này xuống hồ Thác Bà…
Có giả thiết cho rằng vì loại cá này nhìn khá bắt mắt nên có thể người dân nào đó đem về nuôi cảnh và vô tình để lọt ra môi trường. Và đầu nguồn hồ Thác Bà là con sông chảy được bắt nguồn từ Trung Quốc vì vậy cũng không loại trừ cá này từ một ao hồ nào đó từ phía Trung quốc theo mưa lũ đã di chuyển về hồ Thác Bà.
Theo anh Đại là ngư dân có thâm niên sống trên hồ Thác Bà thì loại cá Hoàng Đế này sinh sản rất nhanh do nguồn thuỷ sinh hồ Thác Bà dồi dào, hồ có nhiều các loại cá nhỏ như cá mương, cá tép dầu, cá trắng bạc, cá thiểu nhỏ là nguồn thức ăn cho loài cá lạ, môi trường sạch sẽ tạo điều kiện thích hợp để loại cá này phát triển.
Anh Đại khẳng định về nguy cơ lấn át, tràn lan của loài cá “hung ngư” ngoại lai này so với các loài cá bản địa là rất lớn vì chúng là loài cá dữ ăn thịt và sinh sản nhanh. Thảm họa môi trường hoàn toàn có thể xảy ra như các đại dịch ốc bươu vàng, cá chim…
Để giải quyết vấn đề này, người dân rất mong chờ giải pháp của các nhà khoa học, của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Yên Bái.