Dân Việt

Liên tục trúng thầu "khủng", kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Công trình đường Sắt ra sao?

Thanh Phong 05/09/2023 06:45 GMT+7
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Tổng Công ty Công trình đường Sắt (UPCoM: RCC) trong vai trò độc lập, liên danh đã trúng và được chỉ định 6 gói thầu với tổng giá trị gần 7 nghìn tỷ đồng.

"Thay đổi lớn" trúng thầu hơn 9.200 tỷ đồng

RCC được thành lập ngày 05/11/1973 theo Quyết định số 2565QĐ/TC của Bộ Giao thông vận tải, với tên gọi là Xí nghiệp Liên hợp Công trình đường sắt trực thuộc Tổng cục đường sắt.

Từ năm 2004, RCC chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành "Công ty Cổ phần Công trình đường sắt" theo Quyết định số 3745/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2004 của Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Thời gian qua, RCC nổi lên với việc trúng hàng loạt dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng đường sắt, cao tốc Bắc – Nam. Thống kê lịch sử đấu thầu, với vai trò liên danh, độc lập doanh nghiệp này đã tham gia 37 gói thầu và trúng 29 gói, 1 chưa có kết quả, 1 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 9,2 nghìn tỷ đồng.

Liên tục trúng thầu khủng, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Công trình đường Sắt ra sao? - Ảnh 1.

RCC đã trúng và được chỉ định nhiều gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Trong đó, đa phần RCC được chỉ định thầu với tổng giá trị lên tới 6,1 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị gói thầu RCC trúng với vai trò độc lập là trên 392 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này tham dự 6 gói thầu, trong đó, 2 gói được chỉ định thầu. Cụ thể, ngay trong 2 tháng đầu năm, Liên danh có sự tham gia của RCC được chỉ định 2 gói thầu gồm: Gói thầu XL2: Thi công xây dựng đoạn Km708+350-Km740+884,83 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) và Gói thầu số 11-XL: Thi công xây dựng đoạn Km0+200 – Km19+800 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công).

Hai gói thầu nêu trên lần lượt do Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh và Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Tổng giá trị hai gói thầu ở mức hơn 6,1 nghìn tỷ đồng.

Trong 4 gói còn lại được đấu thầu theo hình thức công khai qua mạng, RCC trong vai trò liên danh, độc lập trúng khá "dễ dàng" khi là nhà thầu duy nhất tham dự. Trong đó, Gói thầu số 01: Thi công xây dựng do Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 làm chủ đầu tư, RCC trúng với vai trò độc lập với giá hơn 11,755 tỷ đồng.

So với giá dự toán, mức giá trúng thầu nói trên giảm khoảng hơn 10 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm ngân sách nhà nước khoảng 0,08%. Ngoài ra, các gói thầu khác, Liên danh có sự góp mặt của RCC cũng trúng với mức khá sát với giá dự toán.

Điển hình, Gói thầu XL-VNT2-03: Cải tạo, nâng cấp đoạn Km1241+990 - Km1314+930 thuộc tỉnh Khánh Hòa do Ban Quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư.

Liên danh RCC (liên danh chính) - Công ty 6 - Công ty Hà Nội trúng với giá hơn 318 tỷ đồng. Mức này thấp hơn giá dự toán khoảng 288 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm ngân sách khoảng 0,09%.

Hiện tại, Liên danh RCC - CT3 - Hà Hải đang "băng băng" về đích với Gói thầu XL-CĐ-01: Xây dựng cầu đường sắt Đuống do Ban Quản lý dự án Đường sắt làm Chủ đầu tư.

Liên danh nói trên đang là nhà thầu duy nhất dự gói thầu và được đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật. Giá dự toán gói thầu XL-CĐ-01 ở mức hơn 466 tỷ đồng, Liên danh RCC - CT3 - Hà Hải dự thầu ở mức trên 465 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh RCC khởi sắc, trữ tiền tăng

Với việc trúng nhiều gói thầu lớn, tình hình tài chính của RCC có nhiều điểm khởi sắc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2023 của RCC, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp ở mức 236 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế của RCC cũng tăng mạnh khi đạt hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ở mức gần 800 triệu đồng. 

Tại ngày 30/06/2023, khoản nợ phải trả tăng lên hơn 20% khi đạt mức hơn 597 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới hơn 98%. Đồng thời, khoản nợ nói trên của RCC cũng đã vượt vốn chủ sở hữu (379 tỷ đồng). Dù vậy vay nợ ngắn và dài hạn giảm so với đầu năm. Ở chiều ngược lại, trữ tiền của RCC tăng 62% so với hồi đầu năm, đạt hơn 47 tỷ đồng. 

Trước đó, kết thúc năm tài chính 2022, RCC ghi nhận 456,3 tỷ đồng doanh thu, đạt 40% kế hoạch đặt ra, giảm 19,1% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 25,5 tỷ đồng, giảm 63,2% và bằng 26,8% mục tiêu kế hoạch. Lý giải nguyên nhân, RCC cho biết, kết quả thực hiện năm 2022 không đạt kế hoạch đề ra vì nhiều công trình chậm tiến độ.

Gần đây, RCC nhận được nhiều sự quan tâm, tìm kiếm từ việc tối 31/8, ca sĩ Jack (J97 – tên thật Trịnh Trần Phương Tuấn) đã cho ra mắt MV Từ Nơi Tôi Sinh Ra, trong đó có sự xuất hiện chớp nhoáng của cầu thủ bóng đá Lionel Messi đã gây chú ý trên cộng đồng mạng.

Được biết, người dẫn Jack đi gặp Messi là doanh nhân Phạm Ngọc Quốc Cường, một doanh nhân nổi tiếng với việc yêu bóng đá và sở hữu bộ sưu tập các hiện vật bóng đá đồ sộ. Hiện tại, ông Cường đang là thành viên HĐQT của Tổng Công ty Công trình Đường sắt (RCC).