Du lịch cộng đồng cho người dân ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh tăng thu nhập, bên cạnh việc canh tác nông nghiệp, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Tạm chia tay với ồn ào nơi phố thị, chúng tôi tìm đến điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim- một ốc đảo xanh giữa dòng Cổ Chiên hiền hòa, quanh năm gió mát rười rượi, không khí trong lành.
Nhiều trải nghiệm thú vị, đậm chất miền Tây tại Cồn Chim, ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Được bao bọc bởi dòng Cổ Chiên hiền hòa, cách trung tâm TP Trà Vinh hơn 10km theo QL53 hướng về biển Ba Động, Cồn Chim- nơi 2 mùa nước mặn- ngọt, đã tạo nên nét du lịch đặc trưng, độc đáo.
Sau khoảng 20 phút qua đò sang Cồn Chim, cô hướng dẫn viên đón chào chúng tôi với nụ cười ngọt ngào, thân thiện.
Những chiếc nón lá được trao tận tay, trên những chiếc xe đạp, chúng tôi vi vu, tình tang, men theo đường đan thênh thang được ôm ấp bởi hàng dừa xanh mát, lắng nghe tiếng chim hót, hương hoa thơm ngát sau vườn.
Từ dàn mướp xanh mướt mắt, bờ cỏ lau, lối đi vào nhà được trang trí bằng hoa mười giờ dân dã hoặc buồng dừa nước trĩu quả… tất cả đều gợi lên miền ký ức quê nhà thân thuộc, dân dã, gần gũi.
Với cách làm du lịch đặc biệt, nơi đây mỗi nhà phục vụ những món sở trường của mình, không lo đụng hàng. Nào là món bánh xèo giòn rụng của nhà cô Sáu Giàu, bếp xưa của cô Vân thì có mứt từ dừa non, chén sương sâm mát lạnh; ghé thăm nhà cô Ba Sữa sẽ được ăn bánh rau mơ từ lá mơ quanh nhà trồng hay ghé vườn dừa Bé Thảo giải khát với dừa tươi cùng ống hút cỏ thân thiện môi trường hay món dừa nước với đậu phộng rang chan nước cốt dừa vừa bùi vừa béo ở nhà của Khang…
Đưa khách du lịch đến với mô hình du lịch cộng đồng ấp Cồn Chim, xã xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Căn nhà của cô Phạm Thị Sữa- điểm ghé “Ba Sữa” là một trong nhiều ngôi nhà mái lá mộc mạc trên cồn, như một bức tranh làng quê Nam Bộ thu nhỏ.
Đặc biệt nhất là nền nhà “vảy rồng”, cạnh đó là sàn nước bên mé ao nở đầy hoa súng, chiếc gáo dừa trong khạp- những nét đặc trưng thân thương, mộc mạc của ngôi nhà Nam Bộ thời xưa.
Đến đây, du khách còn được tự tay học cách xay bột bằng cối đá, nắn bánh lá, thưởng thức thành phẩm bánh lá cùng nước cốt dừa “gia truyền”- béo ngậy, thơm phức.
Cô Ba Sữa cho hay: “Trước đây gia đình tôi nuôi tôm, làm ruộng, khi được địa phương vận động tham gia làm du lịch thì gia đình tôi chọn làm bánh lá để tham gia.
Tôi cũng cất thêm một gian nhà lá, thêm mấy bộ ghế đẩu, mong muốn tái hiện lại không gian, cảnh vật quê nhà ngày xưa để khách tham quan, trải nghiệm”.
Dạo quanh một vòng cù lao, bữa cơm trưa tại Bếp xưa Nam Bộ đã sẵn sàng chiều lòng du khách với đầy món ẩm thực quê nhà.
Khai vị với món sương sâm vò bằng tay, trà đậu biếc thanh mát, đến hương thơm của ơ kho quẹt ăn kèm mớ rau luộc vừa hái sau nhà, món gỏi tôm bông bần lạ mắt mà ngon miệng, món tôm hấp nước dừa ngọt thơm, canh cá bông lau nấu mẻ đậm đà…
Ngoài ngắm nhìn phong cảnh yên bình, thưởng thức món ăn ngon, đến Cồn Chim, du khách còn có dịp tham gia nhiều trò chơi dân gian, gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ tưởng chừng đã bị lãng quên như: tạc lon, bắn bi, nhảy dây, u ranh, banh đũa…
Thưởng thức ngụm nước dừa xiêm ngọt, chú Phạm Văn Hải (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi xa quê hơn 10 năm rồi, giờ về đây du lịch, được hòa mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành và không gian bình yên, đậm chất dân dã của miền quê sông nước miền Tây, tôi thấy bùi ngùi, gợi nhớ lại cảnh quê nhà ngày xưa.
Không chỉ vậy, tôi thấy người dân ở đây rất hòa đồng, vui vẻ, hào sảng, lại mến khách. Sau những ngày làm việc bận rộn với nhịp sống hối hả tại đô thị, thì đây đúng là điểm đến lý tưởng để thư giãn”.
Điểm hấp dẫn ở Cồn Chim không chỉ là cảnh vật quê nhà, còn ở cách làm du lịch độc đáo, khác biệt nơi đây. Không “bê tông hóa”, Cồn Chim được chủ trương làm du lịch cộng đồng với phương châm phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có với mô hình du lịch xanh, chú trọng bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn văn hóa ruộng vườn đậm đà hồn quê, bình dị.
Xây dựng theo quy luật du lịch “thuận thiên”, người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”.
Thưởng thức món ăn dân dã quê nhà làm “say lòng” du khách khi đến với cù lao Cồn Chim, ấp Cồn Chim, xã xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân- Tổ trưởng Tổ hợp tác điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, cho hay: Bà con ở đây làm du lịch với tất cả lòng hiếu khách, đặc biệt là luôn dành những sản vật ngon nhất của quê nhà để thếch đãi khách phương xa.
Mỗi hộ dân tham gia làm du lịch từ thế mạnh tự có của mình để tạo nên sản phẩm du lịch riêng, như: hộ gia đình làm homestay, hộ phục vụ bánh xèo, hộ cho khách trải nghiệm xay bột làm bánh lá, hộ làm tiệm cơm, hộ phục vụ nước dừa, hộ phục vụ trò chơi dân gian, hộ phục vụ đặc sản…
Hơn hết, người dân ở Cồn Chim rất có ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên, không đánh bắt, khai thác quá mức nguồn thủy sản thiên nhiên để làm du lịch.
Nhiều hộ dân làm du lịch chia sẻ: Ở đây, người dân không đánh bắt cá bằng mắt lưới nhỏ hơn 1,8cm, không dùng kích điện, không đăng mé, hạn chế khai thác thủy sản tự nhiên vào mùa sinh sản và canh tác lúa và nuôi tôm thuận theo tự nhiên, không sử dụng thuốc BVTV hóa học.
Anh Nguyễn Tấn Thành- Trưởng ấp Cồn Chim, cho biết: Cồn có diện tích tự nhiên 62ha nằm giữa dòng sông Cổ Chiên. Hiện ấp có 54 hộ dân sinh sống với 200 nhân khẩu, nghề chính là nuôi trồng thủy hải sản, làm nông.
Từ năm 2019 đến nay, Cồn Chim đã bắt đầu làm du lịch cộng đồng gắn với tận dụng lợi thế nông nghiệp sẵn có. Theo đó, hiện có gần 20 hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng, trong đó chia ra: hộ trực tiếp đón khách, hộ tham gia sản xuất và cung ứng nguyên liệu, sản phẩm phục vụ du lịch.
Người dân ở đây vừa sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên vừa làm du lịch, nên không làm ảnh hưởng nhiều đến nét hoang sơ, mộc mạc, không khí trong lành của miền thôn quê.
Dù mới đi vào hoạt động nhưng Cồn Chim đã được rất nhiều du khách biết đến như một điểm nghỉ dưỡng, trải nghiệm lý tưởng vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ, Tết. Từ tháng 9/2019 đến nay, Cồn Chim đã đón hơn 52.000 lượt khách.
Đến với điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, du khách không chỉ đắm mình trong không gian miền quê sông nước yên bình, trải nghiệm cuộc sống người dân miền Tây, ngắm nhìn những mái nhà, thưởng thức các món ăn dân dã... Mà sự nhiệt tình, thật thà chân chất của người dân nơi xứ cồn cũng đã in sâu vào lòng lữ khách phương xa.