Dân Việt

Thủ phủ đất Phú Yên xưa là thành An Thổ-một phế tích bên dòng sông Cái, cách TP Tuy Hòa 35km

KTS Hoàng Xuân Thưởng 07/09/2023 12:53 GMT+7
Di tích khảo cổ Thành An Thổ là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong triều đại phong kiến tại đất Phú Yên. Thành được xây dựng ở bên bờ tả, hạ lưu sông Cái, vùng đất trù phú thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa 35km về phía bắc theo quốc lộ 1.

Mốc son thời gian

Thành An Thổ được xây dựng năm 1832 và hoàn thành năm 1836 thời vua Minh Mạng. Sau khi xây dựng xong, tỉnh lỵ Phú Yên đóng tại thành An Thổ, đến năm 1888 dời ra Vũng Lắm (Sông Cầu) và chỉ một năm sau, lại dời về lại thành An Thổ. 

Đến năm 1899, tỉnh lỵ Phú Yên từ thành An Thổ chuyển ra thôn Long Bình (Sông Cầu), lúc này người Pháp chính thức chọn Sông Cầu là tỉnh lỵ Phú Yên.

Sau khi tỉnh lỵ Phú Yên chuyển ra Sông Cầu, thành An Thổ trở thành huyện lỵ Tuy An và đến năm 1939, huyện lỵ Tuy An chuyển đi nơi khác. 

Như vậy hơn 100 năm (1836-1939), trong đó 63 năm là tỉnh lỵ Phú Yên và 40 năm là huyện lỵ Tuy An, thành An Thổ vang bóng một thời coi như kết thúc, chỉ còn lại rêu phong phủ màu thời gian.

Thủ phủ đất Phú Yên xưa là thành An Thổ-một phế tích bên dòng sông Cái, cách TP Tuy Hòa 35km - Ảnh 1.

Phế tích thành An Thổ còn sót lại trên đất Phú Yên. Thành cổ An Thổ ở thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên 35km về phía bắc theo quốc lộ 1.

Thành An Thổ không chỉ là trung tâm công quyền thời phong kiến tỉnh Phú Yên, mà còn lưu dấu lịch sử Chiếu Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Phú Yên. 

Nghĩa quân Cần Vương tại Phú Yên do chí sĩ Lê Thành Phương đã hai lần bao vây đánh chiếm thành An Thổ. Quân ta tuy anh dũng có thừa, nhưng thành An Thổ được xây dựng như một pháo đài về quân sự vững chắc nên không thắng được. 

Sau đó, nghĩa quân bị thực dân Pháp phản công, đàn áp rất khốc liệt. Lê Thành Phương và nhiều sĩ phu yêu nước khác bị thực dân Pháp bắt và xử tử vào ngày 20/2/1887 (ngày 28 tháng Giêng năm Đinh Hợi) tại bến đò Cây Dừa, thôn Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An. Đây là một trong những dấu son vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta tại Phú Yên.

Sự kiện thứ hai là khoảng thời gian 1901-1906, ông Trần Văn Phố quê ở Hà Tĩnh được triều đình nhà Nguyễn cử vào Phú Yên giữ chức giáo thụ tại phủ Tuy An. 

Ông đưa cả gia đình vợ con vào ở tại thành An Thổ. Cũng chính nơi đây, ngày 1/5/1904, đã chứng kiến sự chào đời một người con ưu tú của Đảng ta, đó là đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với hai sự kiện nêu trên, thành An Thổ càng thêm hấp dẫn, có giá trị về lịch sử, cuốn hút mọi người về đây đông hơn, khám phá chốn công quyền thời phong kiến tại Phú Yên.

Thủ phủ đất Phú Yên xưa là thành An Thổ-một phế tích bên dòng sông Cái, cách TP Tuy Hòa 35km - Ảnh 2.

Du khách tham quan, tìm hiểu Di tích quốc gia Thành An Thổ, thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh: TL

Di tích khảo cổ quốc gia

Cuối thế kỷ XIX về trước, trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, khi đến sông Cái thuộc địa phận Tuy An thì có hai con đường đi tiếp. 

Một là đường bộ phải vượt qua sông Cái tại các bến đò; hai là đường thủy phải đi thuyền ghe theo sông Cái về cảng Tiên Châu qua cửa Bình Bá ra biển Đông. 

Sông Cái và cảng Tiên Châu thời đó như một thương trường buôn bán nhộn nhịp, một chiến hào quan trọng đối với vùng đất này. Chính vì vậy, người Pháp đã chọn nơi này xây dựng tỉnh lỵ Phú Yên.

Qua nghiên cứu thực trạng và các tư liệu, mặt bằng thành An Thổ hình vuông, là tứ giác có chu vi nhỏ nhất nhưng diện tích lại lớn nhất, hình vuông tượng trưng thế vững chãi. Mỗi cạnh thành dài 80m, tổng diện tích khu vực nội thành vào khoảng 6.400m2; tường thành được xây bằng gạch, đá cao 3,5m, bên dưới xây dày nhỏ dần lên trên, thế vững chắc. 

Xung quanh bên ngoài thành là hào nước sâu, rộng chừng 15m; bốn góc của tường thành có 4 trụ xây to cao nhô ra hơn tường thành, nơi đây được bố trí bốn chòi canh. Thành An Thổ có 4 cửa ra vào, quay ra bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc; ứng với các tên gọi là cửa tiền, cửa hậu, cửa tả và cửa hữu.

Các công trình bên trong nội thành được quy hoạch xây dựng gần như đối xứng, mang tính phòng thủ cao; ở giữa là lãnh cung, phía trước là kỳ đài, phía sau là khu vực kho tàng, bên tả là dinh tổng đốc, tuần vũ; bên hữu là dinh bội chánh; lãnh binh, trại lính được chia ra xây dựng gần các cửa thành. Về kiến trúc các công trình theo dạng dinh thự thời Pháp, cao một tầng, tường xây dày, kết cấu bê tông gạch đá.

Bên ngoài tường thành An Thổ được quy hoạch và xây dựng các công trình phụ trợ. Phía Nam có con đê hộ thành, ngăn nước khi mưa lũ từ thượng nguồn sông Cái đổ về; bên trong con đê hộ thành là trường bắn, nơi binh sĩ hàng ngày tập luyện. 

Sát bờ sông Cái có một gò đất cao, gọi là Gò Tượng, là nơi đóng quân của đội tượng binh. Từ nơi đây có thể quan sát, khống chế toàn bộ đường thủy lẫn đường bộ cho thành An Thổ.

Gần cửa hữu có chợ Thành, là nơi cung cấp, trao đổi hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho bộ máy quan lại trong nội thành, cũng như nhân dân khu vực lân cận.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, thành An Thổ chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt, kiến trúc trong nội thành còn rất ít ỏi; tường thành gần như không còn mấy; đất đai hiện tại là khu dân cư, đất canh tác; tất cả công trình chỉ còn ở dạng phế tích.

Ngày 22/8/2005, thành An Thổ được Bộ VH-TT nay là Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích khảo cổ quốc gia. Kỷ niệm 400 năm (1611-2011) Phú Yên hình thành và phát triển, Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ, di tích Thành An Thổ được đầu tư tôn tạo; xây dựng mới nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú và một số các công trình phụ trợ khác.

Từ quốc lộ 1 đi vào, qua cầu Nhân Mỹ, trên con đường bê tông thôn An Thổ hôm nay, hồn ta như lắng đọng. Chính nơi đây, thành An Thổ đã từng vang bóng một thời. Thành An Thổ, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng và bao công trình khác tại vùng đất này là những di sản quý giá khi Tuy An phát triển trở thành đô thị “biển - di sản - dịch vụ phức hợp” vào năm 2025.