Đây là thông tin được Liên minh HTX tỉnh Bình Phước cho biết tại hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do UBND tỉnh Bình Phước tổ chức ngày 6/9.
Theo Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, tính đến ngày 15/5/2023, toàn tỉnh có 311 HTX, trong đó có 232 HTX đang hoạt động.
Hiện nay, số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn, với 270 HTX (chiếm 86,8%). Trong đó, Bình Phước có 88 HTX nông nghiệp hoạt động khá tốt.
Trong số 88 HTX nông nghiệp hoạt động khá tốt, có 49 HTX nông nghiệp có thực hiện dịch vụ liên kết đầu vào, hoặc liên kết đầu ra, hoặc tham gia chuỗi giá trị (liên kết cả đầu vào và đầu ra) sản phẩm cho thành viên HTX.
Riêng HTX nông nghiệp có tham gia liên kết chuỗi giá trị (tức là có thực hiện liên kết cả đầu vào và đầu ra) chỉ có 11/88 HTX, chiếm 12,5%.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, hầu hết các HTX nông nghiệp hoạt động chưa đúng với bản chất. Một số quản lý HTX chưa quan tâm đến hợp tác, liên kết sản xuất.
Phần lớn các HTX nông nghiệp chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến khó khăn trong ký kết hợp đồng bao tiêu bền vững.
Một số HTX có tham gia vào liên kết chuỗi giá trị hàng hóa nhưng việc xuất khẩu sản phẩm vẫn do các công ty thực hiện. HTX chỉ đóng vai trò cung cấp sản phẩm thô.
Theo bà Nhung, việc liên kết chuỗi giá trị đòi hỏi các sản phẩm phải sản xuất theo các tiêu chuẩn. Tuy nhiên hiện nay việc đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn cần đầu tư vốn lớn, kỹ thuật canh tác cao.
"Điều này vượt quá khả năng đầu tư của thành viên HTX, đặc biệt là các HTX vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi", bà Nhung nhấn mạnh.
Theo ông PhạmThụy Luân - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 260 chuỗi liên kết. 5 năm qua, Sở NNPTNT đã tiếp nhận, phê duyệt 29 chuỗi cấp tỉnh.
Trong đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ kinh phí cho 5 dự án/kế hoạch, với tổng kinh phí thực hiện trên 28 tỷ đồng (các chủ thể tham gia đối ứng trên 26 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ gần 2 tỷ đồng).
Một số dự án tiêu biểu có thể kể như: Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ hạt điều theo tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ, EU; Dự án Kế hoạch liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP…
Từ các dự án, Bình Phước đã hình thành các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị phát triển ổn định, mang lại lợi ích cho các thành viên, tạo tiền đề khuyến khích nông dân tham gia các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi.
Tuy nhiên, Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước đánh giá, thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Vì thế, các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn ở quy mô nhỏ, lỏng lẻo.
"Sự liên kết, gắn kết lợi ích và trách nhiệm giữa doanh nghiệp, nông dân, HTX còn bất cập, hạn chế", ông Luân chia sẻ.
Theo Sở NNPTNT, đến năm 2025 Bình Phước phấn đấu cấp huyện phê duyệt khoảng 35 chuỗi, cấp tỉnh khoảng 25 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngành nông nghiệp Bình Phước đề nghị Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình giải ngân vốn sản xuất nông nghiệp
Ngân hàng Nhà nước cũng cần xây dựng chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết được vay ưu đãi.
"Việc đó sẽ tạo thuận lợi để doanh nghiệp, HTX được đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất và xây dựng nhà kho, sân phơi, sơ chế, chế biến sản phẩm", ông Luân nói.
Ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, sau 5 năm, việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn tồn tại nhiều khó khăn.
Ông Minh đề nghị, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp; bố trí đủ nguồn lực, tạo điều kiện tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên kết.