Trong sách "Tang thương ngẫu lục" có đoạn viết về Đinh Văn Tả như sau: Vào thời Lê Trung Hưng, ở làng Hàm Giang, tỉnh Hải Dương có người tên là Đinh Văn Tả, sức vóc mạnh mẽ, tính khí hung hăng. Lúc còn nhỏ, ông thường chơi bời với lũ côn quang và được chúng bầu lên làm anh cả.
Cạnh làng có một con sông to rộng hơn một dặm, ngày ngày ông thường cùng đám bạn ra tắm, bơi vòng từ bên này sang bên kia, chơi bời luyện tập. Một hôm, ông cùng đám bạn rủ nhau uống rượu bên cạnh bờ sông. Khi nghe bên kia sông có tiếng chiêng, trống tế thần, ông cùng đám bạn đố nhau bơi được qua sông sang ăn trộm cái chiêng của làng kia đem về.
Đinh Văn Tả nói: Khó gì việc ấy mà phải đố.
Ngay sau đó, Đinh Văn Tả lội xuống sông bởi sang bên kia, lẻn vào đình và lấy trộm được cái chiêng đem ra rồi lại xuống sông bơi về. Khi ra đến giữa dòng sông, ông còn khua chiêng vang cả khúc sông, khi ấy làng bên kia mới biết là mất trộm chiêng và tìm thuyền đuổi theo nhưng không kịp.
Về sau, vì phạm tội bị bắt quả tang nên Đinh Văn Tả bị bắt giam trong ngục Đông Môn. Khi ấy, triều đình đương có việc dụng binh, chúa Trịnh sai các tướng võ tập bắn ở lầu Ngũ Long. Đinh Văn Tả và tên lính canh ngục đứng xem thấy không mấy người bắn trúng bia, nên ông cười mà nói rằng:
- Bia rành rành thế kia mà bắn không trúng, sao mà họ hèn kém vậy?
Các tướng đứng bắn nghe tiếng giận lắm, đưa súng cho Văn Tả và bảo rằng: Mày nói khoác làm gì thế, súng đây, mày thử bắn đi này!
Đinh Văn Tả không thèm cầm súng nhỏ, xin mượn khẩu súng to rồi bắn ba phát làm vỡ ba cái bia. Những người chứng kiến ai cũng chịu ông là người có tài. Sau đó, những người lính lại sai ông bắn thử lần nữa xem sao và lần này ông cũng bắn phát nào trúng phát ấy, mười phát trúng tâm cả mười. Việc ấy lên đến tai chúa Trịnh, chúa đã tha tội, rối cho theo đánh giặc.
Bấy giờ chúa Trịnh đang chống nhau với chúa Nguyễn ở Nam Hà. Một bữa quân Trịnh đóng ở trên núi, quân Nguyễn đột nhiên đến vây đánh, quân Trịnh bị thua nên tháo chạy hết, chỉ còn một mình Đinh Văn Tả phục trong bụi rậm, chờ khi quân Nam đuổi theo và ở trong bụi bắn ra, quân Nam tưởng có nhiều quân mai phục phải lui về. Khi ấy, quân Trịnh thừa thế quay lại đánh, quân Nguyễn phải chạy. Từ đó tên tuổi ông được nhiều người biết đến. Về sau, ông lại lập được nhiều chiến công và được chúa Trịnh phong cho làm Quận công. Nhưng Đinh Văn Tả đã nộp trả bằng sắc không nhận, chỉ xin được rút tên trong sổ án mà thôi, nhưng chúa Trịnh cũng cứ phong cho.
Đến thời vua Lê Hy Tông trị vì, dư đảng nhà Mạc là Mạc Kính Vũ vẫn còn chiếm giữ trên xứ Cao Bình. Vua sai Đinh Văn Tả thống lĩnh đại binh đi đánh, phá vỡ quân nhà Mạc, buộc Mạc Kính Vũ phải chạy sang Long Châu và từ đó, triều đình nhà Mạc mới chấm dứt sự tồn tại. Đến năm ông 80 tuổi và bị bệnh nặng, chúa Trịnh thân đến tận nhà hỏi thăm và nói rằng:
- Như ngươi thì trong bụng còn muốn ao ước điều gì nữa không?
Nghe vậy, Đinh Văn Tả thưa rằng: Tôi nhờ ơn nhà chúa, làm vinh hiển đến thế này; mà lại được thọ đến 80 tuổi thì trong bụng cũng đã mãn nguyện rồi; nhưng chỉ còn ao ước một chút, giá thử đang lúc tôi chưa chết, mà chúa phong cho tôi làm Phúc thần, thì tôi nhắm mắt cũng không còn điều gì hối hận nữa.
Lúc đó, chúa Trịnh lập tức sai người thảo sắc phong cho ông là Phúc thần thành hoàng làng ngay bên giường bệnh. Đinh Văn Tả tạ ơn chúa rồi mất.
Thời chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong phân tranh là thời loạn, nhưng nhân thời loạn mà làm cho nhân tình thế thái thêm loạn thì tội ấy ắt không thể tha. Nhưng với nội dung của giai thoại trên thì xem ra Đinh Văn Tả đi ăn trộm nhưng không phải là để sống bằng nghề ăn trộm. Bởi Đinh Văn Tả chưa gặp thời và chưa gặp người biết sử dụng cái tài của ông. Việc ấy chẳng khác nào một con đại bàng bị đem nhốt trong cái lồng của con chim sẻ và hậu quả của cái lồng kia chắc là ai cũng biết.
Và chính vì cái lồng của con chim sẻ không thể nhốt được Đinh Văn Tả nên từ một người có tội bị bắt giam, sau vì nhờ thử tài mà Đinh Văn Tả được ra làm lính và khi làm lính nhờ lập nhiều công lao mà được rạng rỡ công danh, rồi lại được phong tới cực phẩm của hàng quan võ trong triều, phụng sự qua 6 đời vua Lê. Chưa hết, ngay khi còn sống, Đinh Văn Tả đã được phong làm Phúc thần thì quả là giữa đời thường, nhưng ông lại không phải là người thường. Thế mới biết lời nói của người xưa rằng "thời thế tạo anh hùng" quả là không sai.