Ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam là vị trạng nguyên nào?

Đặng Hùng Thứ hai, ngày 28/08/2023 21:30 PM (GMT+7)
Những người dân làng Hới hàng ngày vẫn làm ra những lá chiếu bền đẹp đưa lên tận miền núi, ra cả hải đảo để phục vụ cho nhân dân trong cả nước luôn nhớ về tổ nghề của mình. Ðó là tam nguyên Phạm Ðôn Lễ trường tồn mãi trong lòng nhân dân Hải Triều nói riêng, nhân dân Thái Bình nói chung.
Bình luận 0

Hàng năm đầu xuân du khách gần xa lại tìm về đền quan trạng để thắp hương, tưởng nhớ tới vị quan tả thị lang thượng thư tài cao học rộng của quê hương Hưng Hà.

Sách "Tổ nghề thủ công truyền thống Việt Nam" của tiến sĩ Ðỗ Thị Hảo (xuất bản năm 2000) viết: "Phạm Ðôn Lễ, tổ nghề dệt chiếu, ông là người Hải Trào (Triều), tên nôm là làng Hới, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ðỗ trạng nguyên niên hiệu Hồng Ðức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. Học giỏi, tài cao, từ thi hương đến thi đình đều đỗ đầu. Có người nhầm ông với Phạm Ðôn làm quan bộ lễ thời tiền Lê, học được nghề dệt chiếu ở Quế Lâm (Trung Quốc). Dân gian truyền rằng Hải Triều và những vùng lân cận rất hợp với việc trồng cói, dân ở đây đã có nghề dệt chiếu từ lâu đời, nhưng dệt bằng khung đứng, vừa chậm, chiếu lại không đẹp. 

Ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam là vị trạng nguyên nào? - Ảnh 1.

Ðình Quan Trạng xã Tân Lễ (Hưng Hà) nơi thờ Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ - ông tổ nghề chiếu.

Phạm Ðôn Lễ đã giúp dân mở mang nghề trồng cói, ông lại  có sáng kiến cải tiến cách dệt chiếu bằng khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay luồn cói, chao cói nhanh hơn, sợi đan đều hơn, năng suất cao, chiếu lại đẹp, chiếu Hới có nhiều loại, song nổi tiếng nhất là chiếu đậu, khắp nơi đâu đâu cũng hâm mộ, ưa dùng. Nhớ ơn ông, dân xã lập đền thờ và tôn ông là "ông Trạng chiếu". Hàng năm tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới ông và khuyến nghệ vào ngày 6/Giêng" (Sđd/tr.84).

Phạm Ðôn Lễ (có tài liệu ghi sinh năm 1457 - không rõ năm mất) trong một gia đình nghèo khó. Tương truyền bố ông họ Phạm, quê ở huyện Tứ Kỳ, sống bằng nghề chài lưới. Mẹ ông người làng Hải Triều (nay là xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình), dựng túp lều tranh đơn sơ làm quán hàng nước để bán cho khách qua đò. Ngay từ khi Phạm Ðôn Lễ còn rất nhỏ thì bố ông đột ngột qua đời. Hai mẹ con đơn côi chỉ còn biết trông cậy vào quán hàng nước nghèo nàn, dột nát. Càng lớn Phạm Ðôn Lễ càng khôi ngô, tuấn tú. 

Theo truyền thuyết và tư liệu điền dã thì khi Phạm Ðôn Lễ 3 tuổi trong một lần dạo chơi trên bờ sông Luộc, cậu bé bị lạc. Bà mẹ lặn lội tìm con khắp nơi nhưng tin tức về người con thất lạc vẫn bặt vô âm tín. Bà không ngờ rằng trong khi lang thang và bị lạc trên bờ sông Luộc, Phạm Ðôn Lễ đã được một người giàu có quê ở Thanh Hóa đón lên thuyền đưa về nuôi dưỡng. Khi đến tuổi đi học, người bố nuôi đã cho Phạm Ðôn Lễ cùng người con trai của mình theo thầy học chữ. Vốn là người thông minh lên cậu bé họ Phạm học một biết mười. Mặc dù vừa phải lao động giúp đỡ bố mẹ nuôi nhưng với tài năng của mình Phạm Ðôn Lễ lại học giỏi hơn những người bạn cùng trang lứa. Thầy dạy học rất yêu quý tài học của Phạm Ðôn Lễ, ông dốc lòng truyền dạy cho học trò yêu của mình, vì tin rằng trong tương lai chàng trai trẻ này sẽ làm lên nghiệp lớn.

Theo các tài liệu lịch sử, năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Ðức 12 - triều vua Lê Thánh Tông, triều đình mở khoa thi kén chọn nhân tài cho đất nước. Phạm Ðôn Lễ lên kinh thành dự thi. Cả ba lần khoa thi: thi hương, thi hội, thi đình ông đều đỗ thủ khoa. Sử chép: Vua ngự ở Ðiện kinh thiên, thảo ra văn sách, hỏi về lý số, Phạm Ðôn Lễ đều trả lời rành mạch, lời lẽ phóng đạt trôi chảy, vua cho đỗ trạng nguyên (tiến sĩ Cập Ðệ). 

Sau khi thi đỗ, được cha nuôi kể cho nghe về quê hương, bản quán của mình; đến lúc này quan trọng mới biết quê chính của mình là ở làng Hải Triều ven sông Luộc. Ông quyết tâm tìm về quê hương để gặp người mẹ già khốn khổ vẫn năm tháng ngóng chờ tin con. Trong vai người khách bộ hành Phạm Ðôn Lễ về bến đò Cà bên bờ sông Luộc, thuộc làng Hải Triều huyện Ngự Thiên. Ðến bến đò Cà thấy có quán nước siêu vẹo ở bên bờ sông. Một cụ già mái tóc bạc phơ, đôi mắt vẫn còn tinh nhanh, đang ngồi bán nước cho quán bộ hành; quan trạng bèn vào nghỉ chân và lân la hỏi chuyện cụ chủ quán. Khi hỏi đến con cái của cụ thì đột nhiên cụ già buồn rầu, vừa khóc  vừa kể cho khách nghe về người con trai bị thất lạc năm lên ba tuổi, đến nay đã trên 30 năm. Bà vẫn hàng ngày vừa bán hàng nước, vừa ngóng tin con với niềm hy vọng người con trai nếu còn sống chắc chắn sẽ tìm về với mẹ. 

Quan trạng nguyên ngồi nghe kể chuyện mà lòng quặn đau thương mẹ. Trạng liền hỏi: Cụ còn nhớ con trai cụ có đặc điểm gì nổi bật, dễ nhớ không? Cụ già bán nước nói trong nước mắt: ở giữa gan bàn chân trái chân con trai tôi có nốt ruồi đỏ như son. Quan trạng nghe nói vậy, biết ngay đây chính là người mẹ đáng thương của mình, nhưng ông cố nén lòng, xin chủ quán cho phép mình được nghỉ nhờ trên chiếc chõng tre; khi nằm trên chõng ông cố ý gác chân trái lên chân phải để lộ nốt ruồi đỏ ở gan bàn chân trái của mình ra. Cụ ra bán quán vô tình nhìn thấy bất chợt cụ ôm mặt khóc rất to. Thấy vậy, quan trạng vội ngồi dậy và hỏi: Vì sao cụ khóc? Cụ già nói: Tôi khóc vì nhìn thấy nốt ruồi ở gan bàn chân trái của quý khách giống như của con trai tôi ngày còn bé. Không thể nén được nỗi lòng mình, trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ vội ra khỏi chõng tre chạy lại ôm chầm lấy người mẹ già đáng thương; quan trạng nói: Thưa mẹ, con chính là đứa con trai bị thất lạc của mẹ 30 năm về trước. 

Mấy năm sau người mẹ của quan trạng qua đời. Truyền thuyết kể rằng: Trong thời gian về chịu tang mẹ, thấy dân làng Hải Triều có nghề dệt chiếu nhưng chiếu làm ra không đẹp, hơn nữa khung dệt lại cao, đay rùi làm cho lá chiếu không phẳng nên quan trạng đã suy nghĩa và tìm hiểu nguyên nhân. (có truyền thuyết cho rằng trước đây khi đến vùng Quảng Ðông (Trung Quốc) trong một chuyến đi công cán, Phạm Ðôn Lễ thấy dân ở vùng này sống bằng nghề dệt chiếu và trồng cói, ông để tâm tìm hiểu kỹ thuật của họ). Khi về nước ông đem truyền lại những bí quyết đã học hỏi được cho dân làng Hới. 

Ðồng thời ông còn cải tiến khung dệt chiếu thấp xuống, lại làm thêm ngựa đỡ đay ở trên khung, giúp cho sợi dây thêm căng, đồng thời dùng nêm tre để nêm chèn ở phần cuối khung chiếu, giúp cho sợi đay trên khung không bị chùng xuống. Từ đó chiếu của làng Hới làm ra vừa phẳng, vừa đẹp. Không chỉ có vậy ông còn hướng dẫn cho dân làng cách dệt chiếu Ðậu (đay đôi, cỏ đôi), chọn cỏ cói vừa đều, vừa hồng, vừa đẹp, đồng thời phổ biến cách dệt chiếu cải chữ hoa và cách nhuộm cói. Không những thế ông còn hướng dẫn dân trồng cói ở các vùng nội đồng giáp sông. Cói trồng ở đây khi thu hoạch, chẻ cói ra đem phơi được nắng thì cói vừa hồng, vừa bền, vừa đẹp, lại không bị mốc. Kỹ thuật nhuộm màu tinh sảo, lá chiếu Ðậu được dệt ra trung bình dùng được từ 5 - 7 năm mới phải thay chiếu khác. Xưa kia vẫn truyền câu ca "Ăn cho hom, nằm giường hòm, đắp chiếu hới".

Truyền thuyết và tư liệu điền dã cho biết, khi đê cửa sông Luộc bị lở vỡ; Phạm Ðôn Lễ đã giúp nhân dân kè lại cửa sông bị vỡ, cũng trong thời gian này không may công chúa con vua bị ốm nặng. Vốn tính trung thực, thường hay can gián vua không nghe theo những kẻ nịnh thần nên nhân cớ này bọn gian thần hặc tội Phạm Ðôn Lễ và tấu với nhà vua: "Công chúa bị ốm là do Phạm Ðôn Lễ đào đắp đê cửa Luộc đã bị phạm đến long mạch". Vua nghe theo lời dèm pha của chúng, khép tội Phạm Ðôn Lễ; nhưng sau khi các quan trung thần tấu xin giảm tội, triều đình đã bắt ông phải từ quan. Phạm Ðôn Lễ trở về Hải Triều sau đó ông về sống ở quê hương của người cha tại huyện Tứ Kỳ. Tại đây ông đã truyền nghề dệt chiếu cho dân làng và những ngày cuối cùng cuộc đời, ông luôn nhớ tới làng Hải Triều quê hương của thân mẫu mình. Khi mất thi hài của ông được chôn tại quê hương Tứ Kỳ của thân phụ mình. Nghe tin ông mất, dân làng Hải Triều đã tấu với triều đình xin cho phép lập đề thờ ông. 

Hàng năm vào ngày 06/Giêng (ngày mất của tam nguyên Phạm Ðôn Lễ nhân dân làng Hải Triều, Bùi Xá, Hà Xá, Thanh Triều, Kiều Thạch, Mỹ Ðại, Xuân Hải, Xuân Trúc… đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới ông trạng chiếu - một con người hiếu học - tài năng hết lòng vì dân và được coi là vị tổ nghề chiếu của quê hương, đất nước. Dân gian gọi đền thờ ông là đền quan trạng chiếu. Tại đền còn lưu giữ đựơc các đạo sắc phong, nhiều câu đối ca ngợi công lao của thị lang thượng thư Phạm Ðôn Lễ với nghề chiếu của làng Hới. Thần phả triều Nguyễn còn ghi, trạng nguyên khoa Tân Sửu Phạm Ðôn Lễ thi hương, thi hội, thi đình đều đỗ đầu, làm quan tới chức thị lang, phụng mệnh sang sứ Bắc Quốc, học được nghề dệt, về dạy người bản xã và trong tổng. Nhiều người nhờ nghề ấy làm kế sinh nhai, sau khi chết dân nhớ công ơn lập đền thờ, bản triều (nhà Nguyễn) có sắc phong tặng".

Vào những năm đầu thế kỷ 16 tương truyền Mạc Ðăng Danh cho dân làng Hới mở rộng chợ để bán chiếu và cho xây cầu đá thay cho cầu cũ bị hỏng (theo nội dung tấm bia khắc vào năm 1531- thời Mạc. Việc làm đó đã minh chứng cho sự khẳng định từ thế kỷ thứ 15 - 16, vùng đất Hải Triều đã là một địa điểm tập trung thương lái và trở thành thị trường lớn của huyện Ngự Thiên xưa. Trải qua biết bao biến động của thời gian, nghề dệt chiếu của làng Hới ngày càng phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra các xã trong huyện, trong tỉnh và cả các địa phương khác của tỉnh bạn….

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem