Trong cuộc Họp báo thường kỳ tháng 9, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thônng (TT&TT) đã đưa ra nhiều cảnh báo đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo đang phổ biến hiện nay.
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT - Phạm Đức Long đã nêu ra nhiều vấn đề trong đó có cuộc gọi lừa đảo.
Đối với tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, các đối tượng chủ yếu dựa vào cơ quan công quyền, công an, toà án, viện kiểm sát, ngân hàng. Bộ sẽ làm việc với Bộ Công an để định danh các cuộc gọi đến từ các cơ quan công quyền.
Theo đó, các cuộc gọi của cơ quan công quyền đến người dân để làm việc đều phải hiện tên, hiện nay đã thí điểm và triển khai, nhưng vẫn còn thủ tục phải làm việc với các cơ quan quản lý để ứng dụng thực tế.
"Bất cứ cuộc gọi nào đến người dân xưng danh "Tôi là cơ quan này, cơ quan kia..." đều là lừa đảo", Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Thứ trưởng cũng nói thêm, các cuộc gọi chỉ là bước đầu tiên mà các đối tượng lừa đảo sử dụng, nhưng khá quan trọng. Sau đó, để lừa được người dân, các đối tượng sẽ còn phải triển khai nhiều bước nữa đến khi lừa được tiền.
Như vậy, người dân cần lưu ý, nâng cao cảnh giác khi có những cuộc gọi đến tự xưng là cơ quan công dân yêu cầu phải làm theo. Sau khi áp dụng định danh cuộc gọi, mọi cuộc gọi từ số lạ xưng danh đều là lừa đảo.
Cũng là lừa đảo, nhưng liên quan đến mã QR code có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây, ông Nguyễn Duy Khiêm - đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, hiện nay mã QR code đang rất phổ biến ở trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, việc sử dụng thanh toán mã QR code bùng nổ.
Ông Khiêm cung cấp số liệu thông kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong năm 2022, thanh toán qua mã QR code tăng lên 225% về số lượng và giá trị tăng đến 243% so với năm 2021. Điều này cho thấy phương thức thanh toán mới thông minh này ngày càng quen thuộc với người dùng.
Tỷ lệ với việc phát triển "chóng mặt" là tình trạng lừa đảo bằng mã QR code tăng mạnh trên thế giới và cả ở Việt Nam. Trong tháng 8/2023, một số Ngân hàng đã phát đi cảnh bảo lừa đảo thông qua mã QR code.
"Kẻ gian sau khi kết bạn qua mạng xã hội sẽ trao đổi với nạn nhân và gửi mã QR code để người dân quét. Sau đó, những mã QR code này sẽ đưa người dâ tới các website giả mạo yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số Căn cước công dân, số điện thoại, thậm chí cả mật khẩu, mã OTP. Từ đó, các đối tượng chiếm tài khoản người dùng để lừa đảo", đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.
So với đường link truyền thống, mã QR code lợi thế hơn khi có thể chèn trực tiếp email, tin nhắn mà không bị chặn bởi các bộ lọc.
Ông Khiêm đánh giá việc lừa đảo thông qua mã QR code phức tạp hơn trước đây dù bản chất không phải là mã độc tấn công trực tiếp mà chỉ là trung gian để chuyển tải nội dung. Người dùng có bị tấn công hay không còn phụ thuộc vào cách thức xử lý của mã QR code được gửi đến này.
Trước thực trạng trên, đại diện Cục An toàn thông tin đã đưa ra một số khuyến nghị với người dùng để tránh việc bị lừa đảo bằng mã QR code.
Trước khi người dùng quét mã QR code cần đặc biệt cảnh giác, kiểm tra nguồn gốc nơi chia sẻ qua mạng xã hội hoặc email. Tiếp theo, phải kiểm tra, xác định các thông tin tài khoản của người chuyển cho mình mã QR code.
Nếu đã quét mã QR code, người dùng cần xem xét kỹ lưỡng các nội dung mà tranng web đưa tới. Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, không để lộ mật khẩu và cách xác thực qua mã OTP.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp, đơn vị sử dụng mã QR code cần nâng cao tuyên truyền, phát đi cảnh báo với người dùng như các các Ngân hàng đã làm trong thời gian qua. Đưa ra các giải pháp xác minh những giao dịch bất thường và thường xuyên kiểm tra lại các mã QR dán tại các địa điểm công cộng.