Trong mùa nước nổi miền Tây hình thức đẩy côn bắt cá đồng được nhiều người chọn bởi thu nhập khá cao.
Đẩy côn (hay còn gọi là đẩy chì) là nghề hình thành từ sáng kiến nghĩ ra cách bắt cá mà không tận diệt của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Côn là dụng cụ được làm bằng những cọng sắt nhỏ được gắn vào một sợi dây thừng mắc dọc theo thanh tre và buộc lại.
Để có được giàn côn vững thì phải hàn 2 thanh sắt thành hình chữ V và một ống nối thẳng đứng để kết nối các bộ phận lại với nhau. Chi phí cho một giàn côn khoảng 500.000 đồng, sử dụng có thể đến 5-6 năm.
Giàn côn được đặt phía trước mũi xuồng, người đẩy đứng ở phía sau dùng lực đẩy xuồng lao về phía trước, lúc đó que côn chạm cá.
Khi cá lặn tạo thành bong bóng nước, người đẩy côn dùng nơm bao quanh chỗ cá rồi thò tay vào bắt cá.
Đẩy côn thường bắt được cá to nên phương thức này không tận diệt thủy sản.
Anh Quách Thanh Sang ở xã Vĩnh Quới (TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) làm nghề đẩy côn gần chục năm. Trung bình một ngày bắt khoảng 3 - 4kg cá đồng. Hiện nay, cá đồng được thương lái mua với giá từ 60.000 - 120.000 đồng/kg (tùy trọng lương) giúp anh có thu nhập vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Những loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lóc, cá trê bà con bán cho thương lái còn cá rô phi thì sử dụng làm khô.
Các cánh đồng ngập nước ở xã Vĩnh Quới (TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) luôn nhộn nhịp người đẩy côn mùa nước nổi. Họ đẩy côn hết cánh đồng này sang đồng khác. Vì vậy nghề đòi hỏi sức dẻo dai.
Dẫu có nhọc nhằn nhưng nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) nói riêng vẫn chọn đẩy côn làm nghề mưu sinh trong mùa nước nổi.
Bởi nghề đẩy côn mùa nước tràn đồng không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng giúp mọi người có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn để chờ con nước rút bắt đầu một vụ mùa mới đón Tết.