Theo đó, đồng chí Lương Quốc Đoàn- Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, Sóc Trăng - vùng đất Ba Thắc xưa, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, được biết đến là nơi có một nền văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt - "văn hóa xứ giồng"; nơi sinh sống chủ yếu của ba đồng báo các dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa.
Trong chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Sóc Trăng đã làm nên những chiến thắng vẻ vang, khởi nghĩa Nam kỳ thắng lợi, cùng cả nước làm nên cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Từ truyền thống lịch sử, đồng bào các dân tộc tỉnh Sóc Trăng tạo nên mối quan hệ gắn bó huyết thống, xây dựng nên tinh thần thân ái, đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, tôn trọng nhau trong sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng.
Đặc biệt, người dân Sóc Trăng luôn thể hiện đức tính quý trọng nhân nghĩa, thẳng thắn, bộc trực, sống hào phóng, giản dị, tình cảm mộc mạc chân thành, đó chính là bản tính truyền thống của người dân Nam bộ nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng.
Tổ chức nhiều hoạt động hướng mạnh về cơ sở, quan tâm trực tiếp đến hội viên
Đối với Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận xét: Trong 5 năm qua, được sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương Hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực cố gắng vượt bậc của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội IX Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã đề ra.
Công tác tuyên truyền được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh quan tâm chú trọng; nội dung, hình thức có nhiều đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, ý thức cảnh giác cách mạng, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, hội viên, nông dân.
Bên cạnh, Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức Hội được thực hiện thường xuyên, kịp thời; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ được chú trọng; đội ngũ cán bộ Hội dần được chuẩn hóa, đủ năng lực, trình độ, có tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh có sự chủ động, sáng tạo, tích cực trong tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với các ban, ngành cùng cấp triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao các phong trào thi đua do Hội phát động có sức lan tỏa ngày càng sâu, rộng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, góp phần giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã thực hiện hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, góp phần xứng đáng cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với kết quả đầy nỗ lực đó, trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng: 2 Huân chương lao động hạng Ba, 8 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 96 Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đặc biệt, Trung ương Hội tặng 3 cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ (trong đó Hội Nông dân tỉnh 2 cờ năm 2020, 2022 và Hội Nông dân huyện Trần Đề được nhận cờ nhiệm kỳ).
Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Để thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra; trên cơ sở những kết quả nỗ lực đạt được trong 5 năm qua, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ X cần chung sức, đồng lòng cùng tổ chức Hội Nông dân cả nước cần giải quyết những vấn đề mới đặt ra, khẳng định vị trí nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, để mọi cư dân nông thôn trong tỉnh không còn khó khăn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Làm thế nào để phát huy hết lợi thế, tiềm năng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; làm thế nào để người nông dân cần được tiếp cận thuận lợi nhất các dịch vụ phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa, vốn, khoa học kỹ thuật, pháp luật.... Làm thế nào để người nông dân thể hiện rõ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Hội nông dân các cấp cần xác định và xây dựng được đúng vị trí của người nông dân trong quan hệ sản xuất, khẳng định vai trò tham gia và quyết định trong chuỗi sản xuất.
Khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong giám sát, phản biện xã hội; trong tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đổi mới cách thức sản xuất của người nông dân, không nhỏ lẻ, manh mún; phải có quy hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị mặt hàng nông sản.
Trong chuỗi "liên kết 4 nhà", đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa, dự báo được thị trường để tránh tình trạng được mùa, rớt giá, thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản; vấn đề gia công trong nông nghiệp; trong quy hoạch phát triển nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong giải quyết ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai; các vấn đề về việc làm và thu nhập, đất đai, dân chủ ở cơ sở, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề quan trọng
Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cơ bản thống báo cáo của BCH Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng khóa IX trình đại hội X, đồng thời gợi mở 5 vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân, giúp cải thiện đời sống nông dân cả nước nói chung và nông dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Một là:
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả; tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Hội, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát huy hiệu quả các kênh thông tin tuyên truyền; ứng dụng nền tảng mạng xã hội, hình thành các nhóm hội viên nòng cốt tham gia các diễn đàn mạng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và truyền tải thông điệp tích cực đến đông đảo hội viên, nông dân; phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ báo cáo viên; định kỳ tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận; đa dạng hóa và nâng cao tính hấp dẫn, thuyết phục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị gắn với các hoạt động thiết thực của tổ chức Hội.
Hai là
Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vận động nông dân tích cực tham gia phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa, chuyên canh, tập trung quy mô lớn, hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên kết quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu giúp nông dân yên tâm hơn trong đầu tư mở rộng sản xuất.
Hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp, HTX để sản xuất, bao tiêu sản phẩm; thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; duy trì và phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch cộng đồng, sinh thái; vận động tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng lớn; mở rộng các mô hình kinh tế tập thể, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Ba là
Tập trung thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó chú trọng việc hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng nhiều sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng của Sóc Trăng; hỗ trợ, tăng cường kết nối trực tuyến trên Internet, chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng; phát triển thương mại điện tử, tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường; tổ chức các hội chợ, phiên chợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản; bảo hộ thương hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, phát huy hiệu quả chương trình phối hợp với các Ngân hàng trong công tác tạo nguồn vốn vay cho hội viên, nông dân đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, vận động nông dân hưởng ứng chủ trương giải phóng, bàn giao mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án; tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xây dựng đội ngũ hòa giải viên cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.
Tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; kết hợp giữa khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại với truyền thống, kinh nghiệm của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp.
Bốn là
Không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vững mạnh, thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm nâng cao chất lượng hội viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hội viên.
Đối với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần không ngừng nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò là cầu nối với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước; gắn bó mật thiết với nông dân, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới công tác thi đua khen thưởng, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời, đúng người, đúng thành tích; quan tâm khen thưởng cho cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội và hội viên nông dân tiêu biểu.
Các cấp Hội trong tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy quan tâm công tác cán bộ, bố trí cán bộ là cấp ủy viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn bó, tâm huyết, trưởng thành từ phong trào để giữ vị trí người đứng đầu Hội Nông dân các cấp, giới thiệu tham gia các cơ quan dân cử cùng cấp; tạo điều kiện cho cán bộ Hội được trưởng thành ở các môi trường công tác Đảng, chính quyền.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đánh giá cán bộ Hội các cấp; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ cơ sở Hội, chi Hội phù hợp với điều kiện của địa phương; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các cấp Hội đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong các hoạt động chuyển đổi số, chuyển giao khoa học công nghệ.
Tập trung phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức sinh hoạt ở cơ sở.
Năm là
Chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức.
Các cấp Hội trong tỉnh cần thực hiện tốt vai trò đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham gia đối với các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Đổi mới việc tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân theo hướng đi sâu, đi sát, khơi dậy ý thức làm chủ của hội viên, nông dân; tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại trực tiếp, các hình thức diễn đàn, tiếp xúc có tổ chức để lắng nghe ý kiến của hội viên, nông dân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân.