Kể từ tháng 3/2022, các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử nhằm vào Nga bắt đầu được các nước phương Tây đưa ra. Mỗi khi một gói trừng phạt mới được áp dụng, tình hình đối với Điện Kremlin được dự báo ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Nga dự kiến sẽ giảm 30% sản lượng dầu, giảm 15% GDP và giảm 50% nhập khẩu. Nhưng thật bất ngờ là không có dự báo nào trong số này trở thành hiện thực, theo nhận định của tờ Pravda (Ukraine) ngày 4/9.
Ý tưởng của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây là nhằm vào dòng chảy thương mại của Nga thông qua việc giảm xuất khẩu càng nhiều càng tốt và hạn chế nhập khẩu. Về lý thuyết, khi đó Nga sẽ không có nguồn thu để duy trì cuộc xung đột, buộc chính phủ nước này phải nhượng bộ và rút quân khỏi Ukraine.
Trên thực tế, tác động mà các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra đối với thương mại của Nga thấp hơn nhiều so với những gì họ kỳ vọng. Xuất khẩu của Nga không giảm vào năm 2022 mà tăng 20%. Cụ thể, năm ngoái, xuất khẩu của Nga đạt 591 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong lịch sử nước này.
Trên thực tế, Nga đã chọn thời điểm tốt nhất có thể để tiến hành chiến dịch quân sự của họ – trong thời kỳ lạm phát toàn cầu lên đến đỉnh điểm. Ngành công nghiệp toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, lãi suất của các ngân hàng trung ương chủ chốt ở mức thấp và mọi người đều cần hàng hóa cũng như có đủ tiền để mua hàng hóa, vì vậy giá cả ngày càng tăng.
Thị trường hàng hóa đã chấn động khi Nga tấn công Ukraine. Các sàn giao dịch chứng khoán phản ứng khi giá dầu, khí đốt, thực phẩm và kim loại tăng mạnh. Lo ngại giá hàng hóa tiếp tục leo thang, các nước phương Tây đã trì hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt trong 6 - 12 tháng.
Lạm phát toàn cầu đã dịu xuống vào cuối năm 2022 và lệnh cấm vận năng lượng cuối cùng cũng có hiệu lực. Xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng. Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu từ Nga giảm 30%, xuống còn 206 tỷ USD so với mức 306 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Phải chăng điều này có nghĩa là các biện pháp trừng phạt đã có hiệu quả?
Trên thực tế, xuất khẩu của Nga chỉ quay về mức trước khi xung đột nổ ra. Đánh giá thuần túy dựa vào các con số, các lệnh trừng phạt không gây tổn hại đến xuất khẩu của Nga mà thay vào đó cắt giảm mức tăng lợi nhuận của họ và đưa chúng trở lại mức năm 2021.
Nếu nhìn vào các chỉ số định tính, Nga đã bắt đầu xuất khẩu nhiều dầu hơn và ít hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn: dược phẩm, ô tô, vận tải đường sắt, đồ nội thất, v.v. Điều này sau đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nga và có nghĩa là các biện pháp trừng phạt đã tác động tới tương lai của một số ngành công nghiệp của Moskva, nhưng không làm mất đi nguồn thu thương mại của nước này nói chung.
Về nhập khẩu, lĩnh vực này rất quan trọng, vì nếu Nga tiếp tục có nguồn thu thì họ cần phải chi tiêu vào các lĩnh vực khác nhau. Sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất vũ khí, phụ thuộc vào nhập khẩu, đã có sự sụt giảm đáng kể sau khi các thương hiệu phương Tây rời khỏi nước này, nơi chủ yếu nhập khẩu hàng hóa của họ vào Nga.
Các nhà kinh tế dự đoán rằng nhập khẩu của Nga sẽ giảm ít nhất 1/3 vào cuối năm 2022. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều ngoại tệ hơn được giữ lại trong nước và đồng rúp của Nga sẽ mạnh lên, khiến ngân sách liên bang mất nguồn thu thuế bằng tiền quốc gia. Trên hết, lĩnh vực này sẽ chậm lại do lệnh cấm vận công nghệ.
Ước tính đó được chứng minh là không chính xác. Nhập khẩu vào Nga chỉ giảm 13% vào cuối năm ngoái. Để so sánh, mức suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 và 2015 lớn hơn gấp 3 lần. Trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu của Nga ổn định trở lại mức trước khủng hoảng năm 2021.
Đối với việc nhập khẩu linh kiện công nghệ, các lệnh trừng phạt có hiệu quả tốt hơn một chút. So sánh tháng 7/2023 với tháng 7/2021, nguồn cung máy móc và linh kiện điện giảm 27%, máy tính giảm 13%, dụng cụ và thiết bị giảm 46% và thiết bị vận tải giảm 70%.
Chất lượng của những hàng hóa này có thể cũng bị ảnh hưởng vì Nga phải bù đắp lượng hàng nhập khẩu bị mất bằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, không thể xác định được tỷ lệ thực sự của các loại hàng hóa này từ Trung Quốc và tỷ lệ nào được nhập khẩu từ các nước phương Tây khác. Đồng thời, Nga vẫn duy trì khả năng sản xuất vũ khí công nghệ mới, mặc dù hiện nay các linh kiện mất nhiều thời gian hơn do vận chuyển và chi phí cao hơn.
Như vậy, cán cân thương mại của Nga lên tới 57 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, chỉ thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Do Nga vẫn xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn mua nên ngân hàng trung ương Nga có điều kiện bổ sung nguồn dự trữ của mình.
Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Lidiia Lisovska cho biết: “Nga đã tích lũy được tài sản nước ngoài mới trị giá khoảng 150 tỷ USD trong suốt thời gian chịu các lệnh trừng phạt. Mặc dù các lệnh trừng phạt đã đóng băng một cách hiệu quả một phần đáng kể dự trữ ngoại hối trước xung đột của Nga nhưng chúng không ngăn chặn được dòng vốn mới”.
Nền kinh tế Nga nhìn chung đang có xu hướng giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu. Nước này có ít ngoại tệ hơn nên đồng rúp của Nga đã mất giá xuống còn khoảng 100 rup/1 USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga có thể rút dự trữ tích lũy của mình bất cứ lúc nào để ổn định tỷ giá hối đoái nếu thấy cần thiết. Miễn là Nga duy trì được thặng dư thương mại thì nước này không quan tâm liệu tài sản của mình có bị đóng băng ở phương Tây hay không.
Vì sao lệnh trừng phạt thất bại?
Một trong những lý do chính là các biện pháp trừng phạt mất quá nhiều thời gian mới có hiệu lực. Nga đã có sự chuẩn bị từ 6 - 12 tháng để đối phó với các lệnh trừng phạt: tìm thị trường mới, sắp xếp việc cung cấp linh kiện, xây dựng cơ sở hạ tầng và giành được sự ủng hộ chính trị ở các nước trung lập.
Một vấn đề nổi lên là các biện pháp trừng phạt chỉ có hiệu lực sau khi Nga tìm được giải pháp thay thế cho thị trường phương Tây. Ngay cả khi không thể thay thế hoàn toàn thị trường châu Âu, những người mua thay thế sẽ giảm thiểu những tác động bất lợi đối với Nga. Nếu cú sốc về việc ngừng cung cấp đột ngột không xảy ra thì các lệnh trừng phạt sẽ mất đi ý nghĩa.
Địa lý xuất khẩu dầu của Nga cũng đã thay đổi đáng kể chỉ sau một năm. Dòng dầu của Nga đã chuyển sang Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đúng lúc lệnh trừng phạt dầu thô bằng đường biển được áp dụng vào đầu năm 2023. Do đó, sản lượng dầu xuất khẩu của Nga hầu như không bị thu hẹp. Mọi thứ đang hướng tới tình trạng hàng hóa Nga đang dần có chỗ đứng ở châu Á và trở nên đắt đỏ hơn.
Việc các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga cũng không phải là một cú sốc với nước này. Thứ nhất, chỉ có một số ít công ty đã làm như vậy. Một số khác tiếp tục hoạt động, thậm chí tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga vốn đang khan hiếm một số loại hàng hóa. Thứ hai, Nga đã nhập khẩu được một số mặt hàng quan trọng thông qua nước thứ ba.
Thực tế là cộng đồng doanh nghiệp Nga đã phát triển đủ để làm chủ được hoạt động "nhập khẩu song song". Đó là khi hàng hóa được nhập khẩu không trực tiếp mà qua nước thứ ba. Với các kho hàng ở Kazakhstan và hệ thống hậu cần được thiết lập tốt, việc nhập khẩu cả hàng hóa được phép và bị cấm vào Nga là có thể.
Hiện tượng này hiện nay đã trở nên phổ biến khi nhiều công ty hậu cần của Nga đã cung cấp dịch vụ này theo hình thức đó. Điều này đắt hơn so với việc nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, nhưng vẫn giúp ngành công nghiệp Nga tiếp tục phát triển. Nga có thể nhập khẩu phụ tùng ô tô, máy công cụ, hóa chất chuyên dụng, điện tử…
Linh kiện điện tử cho vũ khí cũng đến Nga thông qua một chuỗi trung gian. Mặc dù các nước phương Tây cấm bán sang Nga nhưng chip vẫn tìm đường đến các nhà máy của Nga, đặc biệt thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan và các nước trung lập khác.
Chính các nước phương Tây cũng "nhắm mắt làm ngơ" trước diễn biến này. Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, lưu ý rằng xuất khẩu của Đức sang Kyrgyzstan năm nay cao gấp đôi so với nhập khẩu của Kyrgyzstan từ Đức. Thương mại giữa Đức và Kyrgyzstan đã tăng gấp 10 lần một cách bất thường và không ai thấy điều gì đáng ngờ trong việc này.
Bên cạnh đó, không phải tất cả hàng hóa của Nga đều bị trừng phạt. Ngoài các sản phẩm dân dụng và thực phẩm, còn có một số miễn trừ: bạch kim, kim loại màu, kim cương, một số sản phẩm thép... Các nước phương Tây, chủ yếu là EU, vẫn đang mua tất cả những mặt hàng này, thúc đẩy xuất khẩu của Nga ở mức ít nhất 20 tỷ USD.
Ngoài ra, lệnh cấm vận năng lượng đã trở thành một sự thỏa hiệp. Thứ nhất, EU vẫn nhập dầu của Nga thông qua một nhánh của Đường ống Druzhba. Thứ hai, việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vẫn đang diễn ra. Nguồn cung LNG thậm chí còn tăng lên. Kết hợp với những lỗ hổng trong lệnh cấm vận dầu mỏ, điều này mang lại thêm hàng chục tỷ USD cho kho bạc của Moskva.
Hiện tại, các biện pháp trừng phạt đã đạt đến giai đoạn mà mọi hạn chế tiếp theo đều có nguy cơ ảnh hưởng đến cả Nga và các nước phương Tây. Áp lực chống Nga không tăng lên trong những tháng gần đây, vì vậy Nga tiếp tục có nhiều thời gian để tìm thị trường mới và cách lách các lệnh trừng phạt. "Cách tiếp cận các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đôi khi thiếu quyết đoán, trong khi khả năng thích ứng của Nga bị đánh giá rất thấp. Các nước phương Tây cũng thận trọng về tác động kinh tế tiềm tàng của các biện pháp trừng phạt", Vladyslav Vlasiuk, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine, kết luận.