Đó là kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/8/2023 chỉ tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Các ngân hàng thương mại đang bị "tồn kho tiền", và còn dư địa tăng trưởng tín dụng khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn nội tại của nền kinh tế đất nước bộc lộ ra. Điều đáng mừng là, trong bối cảnh khó khăn cả trong nội tại và quốc tế, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp,… chúng ta vẫn giữ được kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các chỉ tiêu kinh tế duy trì mức tăng trưởng dương, dù chưa đạt như mong đợi,…
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Trong đó tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Riêng với NHNN, Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên cũng phải quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để "góp gió thành bão", thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển…
Phó Thủ tướng đề nghị NHNN rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
"Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành. Đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân.
Khẩn trương nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.
"Trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu đề xuất chính sách mang tính đột phá", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh phân phối, các thị trường mới, tiềm năng, khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống; tận dụng tối đa lợi ích các FTA thế hệ mới.
Nghiên cứu các giải pháp hiệu quả để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh triển khai chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; giảm chi phí logistic để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí giá thành sản xuất.
Với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản; có giải pháp khả thi, hiệu quả để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, sớm đưa các dự án đi vào khai thác, kích thích đầu tư và chi tiêu khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ động thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tự tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tăng cường năng lực tài chính, quản trị của doanh nghiệp, lành mạnh hóa tình hình tài chính, minh bạch dòng tiền và xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.