Rau mồng tơi là một loại rau được nhiều người sử dụng vào mùa hè không chỉ vì thơm, ngon, bổ dưỡng, dễ ăn, dễ tiêu hóa mà loại rau này còn giúp cơ thể thanh nhiệt, nhuận tràng và nhiều công dụng quý khác đối với sức khỏe.
Rau mồng tơi còn gọi là mồng tơi đỏ, mồng tơi tía, lạc quỳ… Tên khoa học Basella rubra L. (Basella alba L.). Thuộc họ Mồng tơi Basellaceae. Mồng tơi là một dây leo, sống hằng năm hay hai năm. Thân mọc cuốn, dài 1,5-2m. Thân có phân nhánh, màu xanh nhạt hoặc tím nhạt.
Cây mồng tơi nguồn gốc ở các nước nhiệt đới của châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, mồng tơi mọc hoang và được trồng cho leo hàng rào để lấy rau ăn. Người ta hái thân và lá vào mùa hạ và mùa thu.
Theo Read (1936), trong rau mồng tơi có vitamin A3, vitamin B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, trong nhân dân, thường chỉ dùng rau mồng tơi nấu canh ăn cho mát, ít dùng làm thuốc.
Nhưng trong sách cổ (Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân) có ghi là rau mồng tơi có vị chua, hàn, hoạt, không độc, chủ trị hoạt trung, tán nhiệt, giải nhiệt, lợi đại tiểu trường. Nhân dân Indonesia dùng rau mồng tơi làm thuốc chữa trẻ em bị táo bón, phụ nữ đẻ khó. Tại Trung Quốc có nơi người ta dùng rau mồng tơi giã đắp chữa vú sưng nứt, giải độc.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các loại rau màu xanh thẫm như rau muống chứa nhiều vitamin C, vitamin K, folate được chứng minh là có vai trò mạnh mẽ trong giảm quá trình chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật. Ngoài ra, chất xơ trong rau muống lại có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng sức bền thành mạch và giảm cholesterol.
Theo bác sĩ y học cổ truyền Lê Thị Thảo Quyên, rau muống có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng, chữa rôm sảy, mụn nhọt… nên ăn rau muống đúng cách sẽ loại bỏ được độc tố.
"Theo y học hiện đại, rau muống bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, hàm lượng protein cũng đặc biệt cao, cao gấp 4 lần so với cùng một lượng cà chua", BS Quyên cho hay.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, hàm lượng canxi trong rau muống cũng rất cao. Trong 100g nước rau muống chứa 115mg canxi. Với hàm lượng như vậy thì canxi trong rau muống tương đương canxi trong sữa, chuối. Vì vậy, ăn rau muống đúng cách là cách bổ sung canxi hiệu quả.
"Đặc biệt, ăn rau muống đúng cách tốt cho phụ nữ mang thai bởi nguồn sắt dồi dào trong rau muống rất tốt cho những người mắc bệnh thiếu máu và phụ nữ mang thai.
Với bệnh nhân loãng xương đơn thuần, huyết áp thấp, ăn rau muống vẫn tốt vì có hàm lượng canxi cao", BS Quyên nhấn mạnh.
Đáng chú ý, rau muống với 13 loại hợp chất chống oxy hóa khác nhau là một thực phẩm lành mạnh có thể ngăn ngừa ung thư. Những chất này có thể loại bỏ các gốc tự do gây hại khỏi cơ thể, từ đó cản trở quá trình nhân lên của các tế bào ung thư. Đặc biệt, rau muống rất hiệu quả trong hỗ trợ ngăn ngừa ung thư trực tràng, dạ dày, ung thư da và ung thư vú.
Bác sĩ CKI Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết cây rau đay là loại rau có tên khoa học là Corchorus olitorius, được xếp vào họ Đay (Tiliaceae). Đây là loại rau ăn lá, được trồng và thu hoạch quanh năm. Rau đay ở nước ta hiện có hai loại: một loại thân màu xanh (gọi là rau đay trắng) và một loại thân màu đỏ tím (gọi là rau đay đỏ).
Rau đay là loại rau quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Đặc trưng của rau đay là tính nhớt, do đó nhiều người không thích ăn. Tuy nhiên, rau đay không chỉ là món thực phẩm bổ dưỡng, ngon miệng mà còn chứa đựng những công dụng tốt cho sức khỏe.
Rau đay được nhiều nước sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Theo tài liệu nghiên cứu, lá cây rau đay quả dài được dùng làm thuốc bổ, an thần, lợi tiểu; hạt làm thuốc chữa táo bón. GS.TS Đỗ Tất Lợi cũng từng chia sẻ, tại Ấn Độ, người ta dùng lá rau đay làm thuốc bổ; hay tại Malaysia, người ta sử dụng lá rau đay để chữa bệnh kiết lỵ và chữa ho ở trẻ em...
Cũng theo sách Nam dược thần hiệu, rau và hạt đay đều có tính lạnh, không độc, có công hiệu làm tiêu đàm, xọp phù thũng, ngừng hen suyễn, thông kinh nguyệt…
Bác sĩ Thuỷ cho biết, rau đay, theo y học cổ truyền, là loại rau có vị ngọt, tính chất thiên về hàn lương. Trong Đông Y, rau đay có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa và an thai.
Trong các sách cổ phương có ghi, rau đay có thể được dùng làm thuốc với tác dụng chữa trúng nắng, phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu ra máu, chữa ho ra máu, nôn ra máu. Với bà mẹ mang thai và cho con bú, các món ăn có rau đay có tác dụng an thai và lợi sữa, giúp sữa về nhiều hơn và nhanh hơn.
"Các nghiên cứu hiện đại về thực vật học đã chỉ ra dược tính học cho thấy rằng rau đay là loại rau tương đối giàu chất dinh dưỡng. Cứ 100g rau đay có thể chứa các dưỡng chất sau: Sắt 3140 mg, Leucine 306 mg, Threonine và Lysine: 144 mg, Methionine: 51 mg, Vitamin C: 33 mg và một số vi chất khác (< 1mg) như Vitamin K, Vitamin B6, Vitamin A, Đồng, Polysaccharid, Sucrose, Inositol…", bác sĩ Thuỷ chia sẻ.
Với những chất dinh dưỡng như vậy, rau đay rất tốt cho trẻ em, bà mẹ mang thai, bà mẹ sau sinh, những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt. Dân gian còn ví rau đay bổ chẳng khác gì "sâm" cho người nghèo.
Rau dền là một trong những thực phẩm chứa khá nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như Vitamin, Lipit, Gluxit hay các khoáng chất có lợi khác. Ngoài công dụng làm mát gan, thanh nhiệt, loại rau này còn được biết đến như một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh.
Rau dền là loại rau mùa hè phổ biến trong các bữa ăn của mọi gia đình, ngoài công dụng làm mát gan, thanh nhiệt, loại rau này còn được biết đến như một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Đặc tính chống ung thư là do các hợp chất chống oxy hóa như vitamin E, C, sắt, magiê, phốt pho hay lysine có trong rau dền.
Chúng chiến đấu chống lại các gốc tự do có hại và ngăn chặn sự hình thành của các tế bào ác tính gây ra ung thư. Rau dền đỏ có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, làm mát máu, sát trùng, trị nhiệt lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt...
Rau dền chứa rất nhiều protid, lipid, glucid, nhiều vitamin, sắt và chất khoáng. Chất beta – caroten trong rau dền cao hơn gấp hai lần so với loại cà, giúp ích cho việc nâng cao sức miễn dịch; hàm lượng chất sắt trong rau dền nhiều hơn so với rau bó xôi, hàm lượng canxi gấp 3 lần.
Điều quan trọng là trong rau dền không chứa acid oxalic, do vậy canxi và sắt trong rau dền sau khi đi vào cơ thể rất dễ được tận dụng và hấp thu nên rất tốt cho trẻ. Bạn có thể luộc, xào, nấu canh đều được.