Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu được 10.175 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,6 triệu USD, so với tháng 7 lượng xuất khẩu tăng 19,8%, kim ngạch tăng 20,3%.
Xuất khẩu sang Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 55,9%, đạt 5.690 tấn và tăng 35,2% so với tháng trước. Prosi Thăng Long và Rừng Xanh T&K tiếp tục là 2 doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu đạt 1.270 tấn và 922 tấn...
Tính đến hết tháng 8/2023, Việt Nam xuất khẩu được 61.852 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 183,4 triệu USD, tăng 24,9% về lượng và 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu quế trung bình 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2.965 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: Prosi Thăng Long đạt 10.321 tấn, tăng 6,6%; Rừng Xanh T&K đạt 4.595 tấn, tăng 68%, Senspice đạt 3.745 tấn, tăng 74,3%, Gia vị Sơn Hà đạt 3.059 tấn, giảm 8,8%… so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, theo thống kê sơ bộ của VPSA, trong tháng 8/2023 Việt Nam đã nhập khẩu 711 tấn quế, kim ngạch đạt 2,2 triệu USD, so với tháng trước lượng nhập khẩu giảm 18,3%. Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc gia cung cấp chủ yếu cho quế Việt Nam chiếm 56,5% và 35,6%.
Như vậy, tính đến hết 31/8/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 12.711 tấn quế, kim ngạch đạt 33,1 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu tăng 18,2% tương đương 1.955 tấn. Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc gia cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam đạt 10.972 tấn và 1.239 tấn.
"Mặc dù, do tác động của đại dịch, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị giảm, tuy nhiên, nhu cầu của các sản phẩm gia vị của Việt Nam nói chung và quế nói riêng vẫn giữ vững phong độ. Nhóm ngành hàng này của Việt Nam thông thường không chỉ phục vụ cho nhóm các ngành hàng gia vị mà trong đó họ còn sử dụng trong nhiều công dụng khác nhau. Ví dụ, như họ dùng trong ngành thực phẩm, đồ uống như rượu, các loại trà, thảo dược.", VPSA cho biết.
Cũng theo VPSA, Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt gia vị của Việt Nam do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hương vị trong tiêu, quế, hồi có những sự khác biệt so với các thị trường khác trên thế giới.
Theo số liệu từ Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá trị xuất khẩu quế - hồi đã liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, chiếm hơn 8,3% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả. Năm 2022 đã tăng lên 276 triệu USD. Kết quả này, có vai trò quyết định không nhỏ từ việc chuyển các vùng nguyên liệu sang hữu cơ hoặc hướng hữu cơ.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế hằng năm trên toàn cầu đang tăng nhanh, khoảng từ 8% đến 12% đã khiến giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay.
Tại một hội thảo hồi đầu tháng 8, PGS. TS Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội cho rằng, nếu muốn phát triển “ra đầu, ra đũa” ngành hàng quế tại Việt Nam cần đầu tư khoảng 12.000 tỷ, trong đó là khoảng 8.500 tỷ tiền tái canh hàng năm, 1.500 tỷ tiền xưởng chưng cất tinh dầu… Đổi lại, theo tính toán của PGS. TS Trần Văn Ơn, việc nâng cấp công nghệ, chế biến sâu sẽ giúp cho ngành quế tạo ra nguồn thu khoảng 22.000 tỷ mỗi năm.