Theo đó, cây cầu cổ này nằm ở ngôi làng Nhạc Lý, thuộc thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Cây cầu tên là Vạn An, được xây dựng vào Đạo Quang thứ 29 (tức năm 1849). Cầu Vạn An là cầu đá được chế tác thủ công. Cầu đá này dài 40 m và rộng 6 m.
Tuy nhiên, dưới thân cầu có treo một thanh kiếm bí ẩn dài khoảng 2 m bằng xích sắt. Người dân địa phương cho biết, thanh kiếm này được gọi là "kiếm rồng" và nó cũng có lịch sử hơn 170 năm. Họ cho rằng nhờ có thanh kiếm cổ này nên lũ lụt luôn bị chặt đứng. Thậm chí, dù nước lũ có dâng lên cao nhưng cũng không bao giờ ngập được cây cầu này.
Vào thời xưa, nước sông chảy qua làng Nhạc Lý thường có lượng nước tăng cao trong mùa mưa bão, gây ra tình trạng lũ lụt. Điều này không những làm thiệt hại đến hoa màu, cây trồng của người dân ở hai bên sông mà còn khiến việc đi lại của người dân ở hai bên bờ sông gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều người không may bị nước lũ cuốn trôi hoặc gặp phải tai nạn đáng tiếc.
Để giải quyết tình trạng này, dân làng Nhạc Lý đã nỗ lực xây dựng cầu Vạn An và treo dưới thân cầu một thanh kiếm dài. Điều kỳ lạ đã xảy ra. Kể từ khi cây cầu đá mang tên Vạn An được xây dựng, nước sông chưa lần nào dâng lên vượt quá thân cầu. Cây cầu vẫn đứng vững ngay cả trong những mùa mưa lũ dữ dội nhất.
Ông Trần, một người dân địa phương đã ngoài 70 tuổi, chia sẻ, ông sống ở gần cây cầu cổ và nghe tổ tiên kể lại rằng, vào thời xa xưa, vị trí của cây cầu là trục đường giao thông quan trọng.Tuy nhiên, vào mỗi đợt lũ xảy ra vào mùa hè và mùa thu, dòng sông sẽ dâng cao khiến cuộc sống của người dân hai bên bờ sông gặp nhiều khó khăn, nhiều người còn bị nước sông cuốn trôi.
"Sau khi cây cầu được xây dựng, thanh kiếm cổ này đã được đúc và treo dưới vòm cầu đá. Theo như tôi nhớ, cho dù nước sông có dâng lên như thế nào thì nó cũng không bao giờ làm ngập cây cầu đá. Cây cầu này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay", ông Trần cho biết thêm.
Thanh kiếm bí ẩn treo dưới thân cầu đá để làm gì?
Ông Lý Liên Xương, một chuyên gia văn hóa và lịch sử tại thành phố Tuân Nghĩa cho biết, việc treo "kiếm rồng" dưới cây cầu đá thực ra là một tập tục đã tồn tại ở nhiều nơi ở Trung Quốc.
Theo truyền thuyết phổ biến trong dân gian Trung Quốc, treo "kiếm rồng" nhằm mục đích chém Giao Long (rồng nước). Người xưa cho rằng rồng nước thường xuyên xuất hiện ở dưới sông và sẽ đập phá những cây cầu đá do con người xây dựng. Chính vì vậy, việc treo một thanh kiếm ở dưới thân cầu có thể giúp răn đe hoặc tạ uy hiếp nhất định để rồng nước không dám phá hỏng cây cầu.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này chỉ ra rằng, tập tục trên thực chất chỉ là một dạng mê tín dị đoan vào thời xưa và nó không có cơ sở khoa học. Sở dĩ người xưa thường tin vào tập tục này bởi việc xây một cây cầu bằng đá không hề đơn giản.
Việc này không chỉ tốn nhân lực mà còn ngốn nhiều tiền bạc và niềm hy vọng mang tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của dân làng. Họ hy vọng cây cầu có treo thanh kiếm có thể tồn tại lâu dài để giúp người dân địa phương đi lại an toàn trong những mùa mưa lũ.
Mũi kiếm hướng xuống mặt sông. Mỗi khi có gió thổi, thân kiếm đung đưa nhẹ từ bên này sang bên kia. Trải qua hơn 170 năm, thân kiếm đã bị rỉ sét, ăn mòn. Tuy nhiên, nó vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và được coi như là một báu vật hiếm có của ngôi làng này.
Câu chuyện về thanh kiếm kỳ lạ được treo trên cây cầu đá khiến nhiều du khách vì hiếu kỳ nên đã tìm đến cây cầu cổ để có thể tận mắt chiêm ngưỡng.
Điều thú vị là hơn 170 năm, mặc dù thanh kiếm cổ được coi như báu vật treo giữa thân cầu, nhưng không hề bị kẻ trộm lấy cắp. Không rõ nguyên nhân cụ thể ra sao, nhưng nhiều người dân tin rằng đây là bảo vật "linh thiêng" giúp cây cầu vững chãi trong nhiều năm qua.