Đó là mục tiêu của Nghị quyết 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền vừa được Chính phủ ban hành.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc Tổ quốc, có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, với địa hình bị chia cắt mạnh, chủ yếu là núi đá, nhiều núi cao, vực sâu, giao thông đi lại vô cùng khó khăn; trình độ dân trí chưa đồng đều; nhiều tài nguyên cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ chưa được khai thác hiệu quả, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn...
Cùng với đó, Hà Giang cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, kinh tế trong nước; giá cả xăng, dầu, nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động tăng ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; công tác tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc; dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến bất thưởng, thiên tai, nắng nóng, hạn hán xảy ra liên tiếp gây nhiều khó khăn, thiệt hại lớn đến sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng thiết yếu và đời sống nhân dân...
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021. Trong đó, chương trình thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 10 dự án và 12 tiểu dự án.
Các dự án bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng kế hoạch vốn đối với 10 dự án thành phần thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 hơn 8.730 tỷ đồng, trong đó vốn T.Ư gần 7.779 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương và các vốn khác.
Trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đặc biệt, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 25 về lãnh đạo triển khai chương trình, nêu rõ mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt 8%/năm trở lên. Phấn đấu giảm 29 xã/127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm trở lên.
Bên cạnh đó, xác định kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, những năm qua, Hà Giang đã tập trung chỉ đạo, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn hoàn thiện và đồng bộ. Đến nay 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 90% thôn, tổ dân phố vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng; toàn tỉnh đã có 170 chợ, trong đó có 20 chợ thành thị, 143 chợ nông thôn, 7 chợ gia súc; hệ thống điện lưới cũng đã được kéo về tận thôn, bản .... nhờ đó hệ thống cơ sở hạ tầng ở những vùng khó cũng đã được nâng cao hơn.
Đặc biệt, nhằm tháo gỡ những rào cản, nút thắt; nắm bắt thời cơ, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từ đó phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững khu vực biên giới. Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII tỉnh Hà Giang đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá trong mục tiêu phát triển nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Để thực hiện hiệu quả 3 đột phá nêu trên, tỉnh Hà Giang đã tập trung bố trí nguồn lực, trong đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện động bộ kết cấu hạ tầng giao thông, xác định đây là một trong những rào cản lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân tại Hà Giang. Ngày 22/12/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về "đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030".
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, giai đoạn 2021-2025, ưu tiên dành ngân sách đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông nguồn ngân sách từ Trung ương và của tỉnh tập trung để thực hiện các dự án giao thông chiến lược trên địa bàn, gồm 3 tuyến quốc lộ, 5 tuyến tỉnh lộ huyết mạch, đường liên xã và đầu tư xây dựng 1.736km đường giao thông nông thôn. Chương trình làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị và chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh phát huy hiệu quả cao, nhận được sự tham gia, ủng hộ, tích cực của nhân dân trong hiến đất, đóng góp vật liệu xây dựng, ngày công để cùng thực hiện.
Đến nay, các ngành, địa phương tỉnh Hà Giang đang nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương, quyết liệt triển khai các bước đầu tư xây dựng. Với mục tiêu phù hợp và định hướng cụ thể, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS được kỳ vọng sẽ phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, toàn diện của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của nhân dân, việc triển khai thực hiện nghị quyết các cấp của trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực, đáng ghi nhận, tạo môi trường thuận lợi, động lực quan trọng cho quá trình phát triển KT-XH, từng bước giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả từ các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nhanh, mạnh và bền vững khu vực biên giới.