Nhiều hộ dân do thất thu tôm nhiều năm phải bán đất hay sản xuất cầm chừng hoặc chuyển sang nuôi một số đối tượng thủy sản khác.
Song nhìn lại các mô hình nuôi chuyên tôm tuy gặp nhiều khó khăn, bất cập, thiếu đồng bộ trong việc áp dụng kỹ thuật nhưng đâu đó vẫn còn thấy sự cố gắng của nông dân trong sản xuất.
Vẫn có không ít hộ nông dân ham học hỏi và vận dụng những kiến thức tập huấn áp dụng vào mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp với nuôi cua, nuôi cá trắm cỏ.
Có thể thấy, đây là mô hình nuôi xen ghép tôm nuôi quảng canh với nuôi cua, nuôi cá trắm cỏ có mức đầu tư thấp, ít dịch bệnh, phù hợp với những ao nuôi thấp triều, cho thu nhập ổn định…
Đó là những kết quả tích cực mà mô hình nuôi xen ghép của hộ anh Nguyễn Văn Bền, ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang mang lại.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc áp dụng hình thức nuôi này đã góp phần cải thiện môi trường ao nuôi, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi bền vững trong cùng một đơn vị diện tích.
Thu hoạch các đối tượng nuôi xen ghép trong ao gồm tôm nuôi quảng canh, nuôi cua, nuoio cá trắm cỏ tại xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Anh Nguyễn Văn Bền ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm trong ao đất truyền thống.
Tuy nhiên, qua một thời gian, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, năng suất thấp nên hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí có nhiều năm thua lỗ nên anh đã mạnh dạng chuyển sang mô hình nuôi tôm – cua – cá kết hợp trên cùng một đơn vị diện tích.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình, anh Bền cho biết: “Gia đình anh có diện tích ao nuôi rộng hơn 10.000 m2; mật độ thả mỗi loại 3con/m2.
Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 0,5 – 0,7con/kg, tôm 12 - 15 con/kg, cua 3 – 4 con/kg. Kết quả của mô hình cho thấy, sau khi trừ chi phí đầu tư, trung bình anh thu lãi trên 54 triệu đồng/vụ nuôi. Cá nuôi ghép trong mô hình là đối tượng phụ, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá không nhiều nhưng có lợi ích gián tiếp từ việc thu hoạch tôm, cua”.
Anh chia sẽ thêm, với phương thức nuôi ghép này anh thả tôm nuôi mật độ thưa thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý và áp dụng biện pháp kỹ thuật nuôi cơ bản, cá sẽ ăn thức ăn thừa của tôm và cua, ăn rong rêu, ăn các loài động vật tầng đáy.
Thậm chí nếu có những con tôm chẳng may bị bệnh, yếu chết thì đã có cá “dọn dẹp” ngay, hạn chế lây lan sang những con khỏe mạnh, qua đó giảm rủi ro dịch bệnh, giúp môi trường ao nuôi trong sạch hơn.
Ngoài ra một ưu điểm nữa của hình thức nuôi xen ghép so với nuôi chuyên canh là nếu trong quá trình nuôi phát sinh dịch bệnh trên con tôm thì người nuôi vẫn có thể có thu hoạch các đối tượng còn lại.
Cũng theo anh Bền, trước khi thả giống, nên dùng men vi sinh để xử lý đáy ao và ổn định môi trường nước.
“Trước đây, do nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, lúc có, lúc không bấp bênh lắm. Bây giờ được tập huấn, rồi áp dụng kiến thức đã học vào nuôi tôm thấy hiệu quả hơn nhiều. Con tôm phát triển nhanh hơn, năng suất thu nhập cũng cao hơn.
Anh vui mừng bộc bạch: “Khi thực hiện mô hình nói thiệt lúc đầu tôi không tin tưởng mấy sợ không thành công, bỡi vùng nuôi này không năm nào thu hoạch được năng suất cao hết.
Nhưng dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, qua 2 tháng nuôi kiểm tra thấy tôm, cua, cá lớn nhanh, phát triển đồng đều lúc này mới tin tưởng tuyệt đối”.
Theo cán bộ chuyên môn nhận định, các đối tượng nuôi ghép ít có tính đối kháng, sống ở các tầng nước khác nhau và có tính ăn mang tính bổ trợ lẫn nhau nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thức ăn trong ao một cách tốt nhất cũng như hiệu quả trong việc cân bằng môi trường sinh thái ao nuôi.
Để tiếp tục phát huy lợi thế của mô hình nuôi tôm kết hợp với cua, cá, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần quan tâm đầu tư cải tạo tốt ao đầm, bờ bao chắc chắn giữ được mức nước theo yêu cầu kỹ thuật.
Tôm giống, cua giống, cá trắm cỏ giống phải lựa chọn kỹ qua kiểm tra chất lượng, quản lý chặt chẻ môi trường ao nuôi, mật độ thả các đối tượng hợp lý, nhằm giảm rủi ro, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.