Tôi gặp ông Trịnh Minh Tân (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM) tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Sinh năm 1954, ở tuổi thất thập nhưng hàng ngày lão nông Trịnh Minh Tân vẫn cần mẫn ra vườn tỉa cành, chăm sóc những cây bonsai tiền tỷ. Ông Tân bộc bạch: "Nghề trồng cây kiểng không có tuổi hưu nên tôi vẫn miệt mài với công việc của mình. Hàng ngày, bước ra vườn cây rợp bóng mát, ngắm nhìn những cây bonsai, nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng cá quẫy đuôi, tôi thấy mình khoẻ hơn".
Lão nông Trịnh Minh Tân cho biết, ông vốn sinh ra và lớn lên tại miệt vườn cây trái Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) trong một gia đình có truyền thống làm nghề trồng kiểng. Ngay từ nhỏ, ông đã quen với việc tạo dáng, chăm sóc hoa kiểng. Nhận thấy việc trồng hoa cây kiểng ở quê nhà phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, ông Tân quyết tâm lên TP.HCM tìm cơ hội kinh doanh cây kiểng.
"Hồi xưa ở quê nhà, nhiều năm liền dội chợ, hoa cây kiểng không bán được, nông dân ngậm ngùi chua xót chặt vứt bỏ đầy ngoài ruộng. Năm 1996, tôi quyết tâm khăn gói lên TP.HCM tìm cơ hội kinh doanh"- ông Tân nhớ lại.
Từ đó, các giống cây kiểng ở Cái Mơn như mai chiếu thủy, tùng, bách và các loài hoa cũng theo ông Tân rời quê lên thành phố. Trong quá trình kinh doanh cây kiểng ở TP.HCM, ông Tân nhận ra rằng để có nguồn cung cấp cây ổn định cho thị trường trong mọi thời điểm, phải có vườn ươm nhân giống cây. Gom góp tiền dành dụm, cộng với tiền vay mượn, ông tìm đến vùng "đất thép" Củ Chi để tậu đất lập vườn ươm vì thấy môi trường phù hợp.
"Thực ra, hồi đó đất ở Củ Chi còn khô cằn, bạc màu nhưng được ưu điểm là thế đất cao ráo, nguồn nước dồi dào"- ông Tân nhớ lại. Để cải tạo, vợ chồng ông Tân phải đào ao, xây hệ thống tưới nước, đào hố, bỏ phân. Ngày qua ngày, vợ chồng ông bảo nhau chăm chỉ, cần mẫn làm từ sáng sớm tới tối mịt.
Sự vất vả của ông Tân đã được đền bù xứng đáng. Chỉ sau 2 năm, khu đất khô cằn đã biến thành vườn ươm xanh tươi với đủ mọi loài cây từ hoa kiểng đến các cây trang trí nội thất, công trình…
Từ diện tích 2ha ban đầu đến nay ông Tân đã mở rộng thêm trang trại lên hơn 8ha (đất do ông sở hữu 5ha và 3ha thuê từ hàng xóm). Trong đó, hơn 5ha trang trại ông Tân chuyên sản xuất và cung cấp các loại cây cảnh, bonsai với hàng trăm chủng loại khác nhau. Nhiều cây cảnh được mang từ nước ngoài về, có loại được ghép thành công giữa cây nội và ngoại có giá trị cao. Diện tích 3ha còn lại là trại hoa cây cảnh chuyên cung cấp cây cảnh nguyên liệu cho các vùng trong và ngoài huyện.
Hiện nay, ông Tân đã đầu tư hoàn thiện hệ thống vườn ươm, nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới phun và nhỏ giọt tự động cho toàn vườn. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, giúp ông giảm được sức lao động và chi phí thuê nhân công. Mỗi năm, ông Tân bán ra thị trường trên 100.000 cây cảnh các loại như: cây nội thất, cây lá màu, mai chiếu thuỷ và nhiều nhất là vạn niên tùng bonsai. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của vườn tập trung ở TP.HCM và Hà Nội, mang lại thu nhập hơn 2,5 tỷ đồng mỗi năm.
Một nguyên tắc giúp ông Tân kinh doanh cây kiểng thành công đó là "bán mà không buông". Theo lý giải của ông Tân, sau khi bán một sản phẩm cho khách hàng, cửa hàng của ông vẫn tiếp tục bảo hành, chăm sóc sản phẩm đó cho khách.
Lão nông Trịnh Minh Tân kể thêm, dù là con nhà nòi trong việc làm hoa, kiểng, nhưng để làm bonsai ông đã đi đến nhiều nước để tham quan, học tập kinh nghiệm kinh doanh cây kiểng. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tân là đi Singapore năm 1994. Tiếp đó, ông đi Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan.
"Ông đã học được những gì sau những chuyến xuất ngoại?" - tôi hỏi, ông Tân bảo: "Học nhiều lắm. Đặt chân sang mỗi nước tôi đều tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, cách trồng bonsai, thiết kế sân vườn rồi cả cách họ tổ chức sự kiện, hội chợ triển lãm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Ngay khi đi Singapore về, tôi tổ chức được 6 lần triển lãm bonsai ở công viên Hoàng Văn Thụ. Nhờ những lần triển lãm này mà sản phẩm, thương hiệu của tôi bắt đầu được cả nước biết đến
Đi Thái Lan tôi học mô hình trồng lan, rất chuyên nghiệp. Ở Thái, hoa lan được trồng thành vùng tập trung, gần khu trung tâm, sân bay. Diện tích nào họ cũng làm được. Ở vùng đất thấp như ruộng lúa nước, họ làm giàn treo, đi lại chăm sóc bằng những cây cầu gỗ len lỏi giữa các giàn lan. Tất cả các mô hình từ cây kiểng, phong lan, cá kiểng, hòn non bộ… đều được tổ chức tập trung thành vùng lớn.
Sang Đài Loan, thấy giống cam của họ rất lạ, lá nhỏ như lá kiểng, nên tôi xin giống mang về. Tôi đã lai tạo và ghép thành công cây cam vàng từ 3 giống, gốc là cây bưởi, phần thân giữa là cam đường Canh, trên cùng mới là giống cam Đài Loan. Cây cam này có trái chín vàng rất đẹp, nhiều nước, thơm và ngọt. Nhiều người đã mua cây cam vàng này về vừa làm cảnh, vừa ăn trái. Còn sang Nhật Bản, tôi học được tất cả 33 kiểu dáng của bonsai"- ông Tân nói.
Hơn 30 gắn bó trong nghề, với những kinh nghiệm tích lũy của bản thân, ông Tân đã kết hợp với Hội Nông dân địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề miễn phí về trồng cây kiểng. Trong đó, ông là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho học viên.
Từ năm 2007 đến nay, cùng với Hội Nông dân xã, ông Tân đã mở 15 lớp đào tạo miễn phí về làm bonsai, thiết kế sân vườn, ghép mai vàng cho hàng trăm nông dân. Trung bình mỗi lớp học của ông có 25 học viên theo học. Nhiều nông dân được học nghề bởi ông Tân bày tỏ: "Ông Tân dạy dễ hiểu lắm, chúng tôi về áp dụng là được liền".
Sau khi kết thúc khóa học, mỗi học viên đầu tư sản xuất tại nhà, nếu có khó khăn về giống, sẽ được ông Tân hỗ trợ cung cấp và giúp học viên tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài những lớp dành cho học viên mới vào nghề, ông Tân còn mở các lớp học nâng cao cho các học viên đã biết cơ bản về bonsai, cây kiểng làm ra các sản phẩm đẹp hơn, có giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ các lớp đào tạo miễn phí của ông Tân, đã có nhiều nông dân biết vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, có việc làm ổn định và mang lại thu nhập cao.
"Những kinh nghiệm của bản thân, những kiến thức học hỏi được sau mỗi lần xuất ngoại, tôi đều truyền hết trong các lớp tập huấn cho nông dân" - ông Tân nói.
Khi được hỏi, truyền hết "bí kíp" làm bonsai cho mọi người như thế, liệu ông có sợ bị cạnh tranh và mất nghề không?, lão nông Trịnh Minh Tân cười hiền nói: "Tôi luôn muốn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Có như thế, nông dân tránh được những sai lầm trong quá trình trồng và chăm sóc cây kiểng".
Ông Tân hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại huyện Củ Chi. Với vai trò tìm đầu ra cho hoa kiểng, bonsai trên địa bàn huyện ông Tân là một trong những người tiên phong kêu gọi những nông dân trồng cây cảnh- hoa kiểng trong và ngoài địa bàn xã tổ chức chợ phiên nông sản để giới thiệu sản phẩm cây kiểng của địa phương đến với người tiêu dùng.
"Hàng năm, vào dịp lễ 30/4, tôi phối hợp với UBND xã, Hội Nông dân xã Tân Phú Trung tổ chức chợ phiên nông sản nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của địa phương, qua đó tìm đầu ra cho sản phẩm. Trung bình mỗi phiên chợ thu hút khoảng 1.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay tôi còn tham gia tổ chức "Chợ phiên nông sản- Đồng hành cùng hàng Việt", Ngày hội văn hóa thể thao nông dân Củ Chi tại Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi…"-ông Tân thông tin.
Hình thành lớp nông dân đô thị văn minh
Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM phấn khởi cho biết, trong những năm gần đây, có thể thấy thay đổi lớn nhất của nông dân TP chính là sự tiến bộ về tư duy, hình thành lớp nông dân đô thị. "Nông dân TP.HCM rất tích cực học tập để nâng cao kiến thức và liên kết với nhau để tiêu thụ sản phẩm. Ông Trịnh Minh Tân là hình mẫu về người nông dân đô thị văn minh, rất nhanh nhạy nắm bắt thị trường. Ông rất giỏi, có tâm, có năng khiếu, từng có mấy chục năm kinh nghiệm làm cây kiểng, bonsai, thêm những chuyến đi nước ngoài học hỏi bằng tiền túi, về mở các lớp tập huấn, dạy nghề truyền lại cho hàng trăm nông dân, nhiều nông dân đã thành công"-bà Xuân nói.