Dân Việt

Mâm cao cỗ đầy có khi dễ quên, chứ đã ăn cá suối Bình Liêu ở Quảng Ninh nhớ mùi nhớ vị

Nguyễn Xuân 12/09/2023 05:23 GMT+7
Cá suối là món đặc sản của đồng bào các dân tộc ở miền núi Quảng Ninh. Như ở huyện Bình Liêu kế bên TP Móng Cái, cá suối được chế biến chiên với dầu sở, một sản phẩm đặc trưng của Bình Liêu hoặc nướng trên than hồng

Đĩa cá suối chiên giòn, thịt thơm ngọt, thưởng thức với vị bùi bùi của lá lốt cuốn cùng khiến thực khách một lần được thưởng thức mà nhớ mãi.

Trong một lần đi công tác lên vùng biên giới của tỉnh, chúng tôi được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn ở xã Hải Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chiêu đãi món cá suối. 

Quả thật, tôi đã từng thưởng thức nhiều loại cá đồng, cá biển nhưng món cá suối thì đây là lần đầu tiên.

Mâm cao cỗ đầy có khi dễ quên, chứ đã ăn cá suối Bình Liêu ở Quảng Ninh nhớ mùi nhớ vị - Ảnh 1.

Cá suối chiên giòn ăn với lá lốt khiến thực khách khó quên.

Cá suối được anh em giới thiệu đây là món ăn dân dã được bắt ở các khe suối quanh khu vực. Còn chúng tôi thì gọi món cá suối này với tên gọi mỹ miều hơn: Đặc sản miền biên cương. Cá suối ở đây có nhiều loại, to nhỏ khác nhau.

Qua câu chuyện của các chiến sĩ, tôi được biết thêm, cá suối là món đặc sản của đồng bào các dân tộc ở miền núi. 

Như ở huyện Bình Liêu kế bên, cá suối được chế biến chiên với dầu sở, một sản phẩm đặc trưng của Bình Liêu hoặc nướng trên than hồng. Đó là những hương vị đáng nhớ của núi rừng.

Mâm cao cỗ đầy có khi dễ quên, chứ đã ăn cá suối Bình Liêu ở Quảng Ninh nhớ mùi nhớ vị - Ảnh 2.

Cá suối là một trong các đặc sản của đồng bào ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH huyện Bình Liêu).

Quanh vùng rừng núi ở Pò Hèn có nhiều con suối chảy len lỏi quanh những khu rừng, dãy núi bắt nguồn ở Mã Đầu Sơn và Ban Nai, nơi biên cương Tổ quốc, rồi đổ xuống hồ Tràng Vinh. 

Những con suối trong vắt, nước mát lạnh với rêu, lá rừng mục là môi trường sống lý tưởng của chúng. Cá suối thường sống giấu mình dưới những hốc đá hay bụi cây cỏ gần bờ của các con suối. 

Những con cá to nhất cũng chỉ bằng ngón tay cái, thế nhưng, cá suối có đặc tính rất khỏe để có thể bơi ngược cả dòng suối nước chảy mạnh.

Người dân vùng núi đi câu, thả lưới hoặc đánh bắt cá suối bằng loại cây rừng đập dập thân rồi thả đầu nguồn nước, nhựa cây hoà tan vào nước suối sẽ khiến cá say.

Cá suối có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh. Cá được bắt từ dưới suối mang về, sau khi sơ chế rửa sạch, đem ướp cùng gia vị các loại để chế biến thành các món ăn khác nhau. 

Bởi cá nhiều xương nên hấp dẫn nhất có lẽ vẫn là mang chiên giòn. Với món này thì cả thịt và xương cá đều giòn tan, vị bùi, ngọt, thơm nức mũi. 

Ăn cá suối chiên giòn hợp khẩu vị nhất khi cuộn vào lá lốt xanh, chấm với mắm ớt, xì dầu tỏi ớt hoặc muối tiêu vắt chanh đều ngon. 

Đĩa cá suối đã được chiên giòn, thơm nức. Gắp cá cuộn tròn với lá lốt, chấm tương thưởng thức thêm vài ly rượu men lá của đồng bào thật thú vị. 

Trong không khí se lạnh của tiết thu, thưởng thức món cá suối ngắm núi rừng biên cương, trò chuyện về phong tục tập quán của bà con dân tộc, cảm xúc thật khó quên.