Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời đã ra quyết định tạm giữ hình sự L.T.K. (43 tuổi), ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, để điều tra về hành vi "hành hạ người khác". Nạn nhân là cháu N.T.B.V (16 tuổi).
Theo điều tra, bà N.T.T (ngoại của cháu V., ngụ cùng địa phương với K.) có nợ 40 triệu đồng và K. đứng ra nhận nợ thay cho bà.
Khoảng giữa tháng 5/2022, K. nói với bà T. cho cháu ngoại bà T. là em V. đến làm thuê cho K. để trừ nợ.
Trong quá trình ở làm thuê, V. làm không đúng ý của K., nên bị bà này dùng tay, roi trúc, vá múc thức ăn... đánh nhiều lần lên người.
Ngày 7/9, một người hàng xóm có gặp cháu V., thấy cháu có nhiều vết trầy xước, bầm và sưng ở vùng mắt, tay, chân và nhiều vị trí khác trên cơ thể nên hỏi thăm.
Bức xúc trước cảnh cháu V. bị đánh, người hàng xóm đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo vụ việc.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một số đoạn clip ghi lại cảnh cháu V. kể chuyện mình nhiều lần bị bà K. đánh, đấm, đá vào nhiều vùng của cơ thể.
Do sợ tiếp tục bị đánh, cháu V. đã bỏ trốn và tìm người giúp để đưa về nhà mẹ ruột. Làm việc với cảnh sát, bà K. đã thừa nhận đánh bé gái.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với những thông tin ban đầu như trên, việc cơ quan điều tra tạm giữ bà K. để làm rõ hành vi hành hạ người khác là cần thiết và có căn cứ.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi "đối xử tàn ác" với cháu V., cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà K. về tội hành hạ người khác để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của bà K., đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với tâm lý và sức khỏe của cháu bé để xử lý theo quy định.
Ông Cường phân tích, dưới góc độ pháp lý, tội hành hạ người khác là tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân. Hành vi hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập, chửi bới, xúc phạm, bỏ đói và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Hành vi đối xử này cho thấy sự bất bình đẳng, thiếu tình người, nhẫn tâm sẵn sàng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác khiến cho nạn nhân cảm thấy sợ hãi, đau đớn, thậm chí có thể bị xâm phạm đến thân thể, đe dọa đến tính mạng.
Nếu hành vi ứng xử một lần hoặc một vài lần thiếu chuẩn mực thì không xử lý về tội danh này. Tuy nhiên nếu hành vi đối xử tàn ác diễn ra nhiều lần, liên tục, cho thấy thái độ coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người lệ thuộc, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Cần lưu ý rằng, tội hành hạ người khác chỉ áp dụng đối với hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc diễn ra nhiều lần nhưng không chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người thì mới xử lý về tội danh này.
Một điều đáng chú ý là tội hành hạ người khác đòi hỏi người thực hiện hành vi phạm tội và nạn nhân phải có mối quan hệ lệ thuộc như giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa thầy cô giáo với học sinh...
Trong vụ việc này mối quan hệ giữa bà K. và cháu bé là quan hệ phụ thuộc, cháu bé phải làm thuê cho bà K. để trừ nợ cho bà ngoại. Bởi vậy dấu hiệu này là cơ sở để xử lý về tội hành hạ người khác nếu như có căn cứ chứng minh bà K. đã có hành vi đối xử tàn ác với cháu bé.
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi của bà K. là đối xử tàn ác với người lệ thuộc mà chưa đến mức xử lý về tội cố ý gây thương tích thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự.