Hà Nam sắp thành lập khu bảo tồn voọc quý hiếm nhất thế giới
Hà Nam sắp thành lập khu bảo tồn voọc quý hiếm nhất thế giới
Tất Định
Thứ ba, ngày 12/09/2023 14:26 PM (GMT+7)
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng dự kiến sẽ được công bố thành lập vào cuối tháng 9 và hoàn thiện bộ máy quản lý trong quý IV/2023.
LTS: Voọc mông trắng (Voọc quần đùi trắng) Trachypithecus delacouri là loài đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa toàn cầu ở cấp CR (Rất nguy cấp) trong Danh lục Đỏ IUCN 2021.
Năm 2016, Tổ chức Fauna and Flora (FFI) đã phát hiện ở khu rừng phòng hộ Kim Bảng, Hà Nam có 80 cá thể voọc mông trắng, là quần thể lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Khu bảo tồn ngập nước Vân Long (Ninh Bình).
Ngay sau đó, đầu năm 2017, UBND tỉnh Hà Nam đã đưa ra chủ trương thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm, khu bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm vẫn chưa được công bố.
Từ cuối năm 2020 đến nay, phóng viên Báo điện tử Dân Việt, đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát, tuyến bài về bảo tồn loài voọc mông trắng.
Vừa qua, ông Lê Hoàng Thuyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, đại diện UBND tỉnh Hà Nam, trả lời Báo điện tử Dân Việt về giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khu bảo tồn sớm được thành lập.
- Thưa ông, những năm qua, việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng đã được thực hiện như thế nào?
Việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa ra chủ trương rất sớm từ năm 2017 và quan tâm chỉ đạo liên tục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì phối hợp cùng các sở ngành và huyện Kim Bảng thực hiện.
Đến nay, tiến trình thành lập khu bảo tồn đã xác định diện tích 3.182 ha rừng đặc dụng; được cụ thể hóa tại Quyết định 326 ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Các sở ngành, đơn vị của tỉnh đã thống nhất phạm vi, ranh giới, tọa độ, diện tích thành lập khu bảo tồn. Chủ tịch UBND tỉnh đã ký phê duyệt diện tích này.
Hiện còn hai bước cuối là Quyết định thành lập Khu bảo tồn và thành lập Ban quản lý để tiếp nhận Khu bảo tồn này, điều hành hoạt động hiệu quả, đúng với các quy định của pháp luật.
- Từ khi tỉnh có chủ trương, đến nay đã hơn 6 năm, tại sao khu bảo tồn vẫn chưa được công bố thành lập?
Tinh thần chung, chúng tôi luôn mong muốn khu bảo tồn được thành lập càng sớm càng tốt để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, có một số lý do khách quan do quy hoạch phát triển kinh tế địa phương ở những giai đoạn trước. Thời điểm lập quy hoạch khu bảo tồn loài vọoc mông trắng với diện tích 3.182 ha, qua rà soát năm 2020, ranh giới chồng lấn với khoảng 20 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tỉnh phải xem xét quy hoạch khu bảo tồn phù hợp, đồng bộ với quy hoạch chung về phát triển đô thị của huyện Kim Bảng, giai đoạn 2025 – 2030 và quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cũng như quy hoạch chung khu vực Tam Chúc mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Quy hoạch khu bảo tồn cũng sẽ loại bỏ những đơn vị dự kiến được khai thác khoáng sản trong khu bảo tồn.
Vướng mắc hiện tại là Nghị định 120/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định: "Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu)". Quan điểm của tỉnh không được phát sinh thêm đầu mối và hạn chế phát sinh biên chế mới.
Khi thành lập khu bảo tồn đồng thời thành lập Ban quản lý với số lượng tối thiểu 15 người mới có thể đảm bảo hoạt động, Ban quản lý khu bảo tồn là đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay đơn vị sự nghiệp của Sở chỉ có Trung tâm khuyến nông, việc giao thêm nhiệm vụ quản lý khu bảo tồn cho đơn vị này thì không thể thực hiện được vì lĩnh vực chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông và Ban quản lý khu bảo tồn không tương đồng. Viên chức hiện tại của Trung tâm khuyến nông không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý khu bảo tồn. Do đó việc thành lập Ban quản lý khu bảo tồn là rất cần thiết.
- Giải pháp của tỉnh trong thời gian tới để sớm thành lập khu bảo tồn và tổ chức bộ máy của Ban quản lý khu bảo tồn như thế nào, thưa ông?
Phương án của Sở Nông nghiệp là khung cán bộ quản lý khu bảo tồn trước mắt sẽ lấy cán bộ của Sở kiêm nhiệm, có thể chỉ phát sinh thêm một số biên chế sự nghiệp mới. Bộ máy của Ban Quản lý Khu bảo tồn gồm: Giám đốc, Phó giám đốc và 2 phòng chuyên môn. Các nhân viên liên quan đến chốt rừng, tuần tiễu, bảo vệ rừng ngăn chặn việc khai thác lâm sản cũng như Phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BQL ở khu rừng đặc dụng theo quy định của Luật Lâm Nghiệp và Nghị định 156/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm Nghiệp, do đó phải bố trí những người mang tính chất chuyên trách mới thực hiện được.
Sở Nông nghiệp đang làm việc với Sở Nội vụ về vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế của Ban quản lý khu bảo tồn, nếu thuận lợi sẽ rất sớm, cuối tháng 9 tỉnh có thể công bố quyết định thành lập khu bảo tồn.
Chậm nhất là trong quý IV/2023 sẽ thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn để tiếp nhận và đi vào hoạt động.
- Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng phát triển sau khi thành lập khu bảo tồn?
Thành lập khu bảo tồn đem lại lợi ích rất rõ ràng, bảo vệ voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới, cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm khác ở rừng Kim Bảng. Khu bảo tồn loài sinh cảnh voọc mông trắng nằm liền kề khu du lịch quốc gia Tam Chúc, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, phát triển kinh tế xanh bền vững.
Quan điểm của tỉnh và ngành Nông nghiệp, những đơn vị hoạt động khai thác đá ở khu vực giáp ranh dứt khoát không được ảnh hưởng đến việc tồn tại của loài sinh cảnh vọoc mông trắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.