Tôi, cũng như nhiều người khác, cả những người Việt Nam và bạn bè quốc tế mà tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện, đều vui mừng và chia sẻ với việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua một quá khứ khó khăn, từ cựu thù trở thành hai quốc gia có quan hệ thân thiện, và hôm đầu tuần, đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”, một trong số 5 quốc gia có quan hệ ngoại giao ở cấp độ cao nhất với Việt Nam, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, và Hoa Kỳ.
Việc tổng thống Mỹ Joe Biden là quốc khách, đến Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và có một chương trình hoạt động phong phú, nhiều ý nghĩa, trong điều kiện không thật thuận tiện về thời gian, khi ngày 10/9 ông mới rời Dehli sau Hội nghị G20, và cần có mặt trên đất Mỹ vào ngày 11/9 cho một lễ tưởng niệm, như một thông lệ bắt buộc với một Tổng thống Hoa Kỳ.
Rõ ràng, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam lần này là một thành công lớn của công tác đối ngoại, là một minh chứng của vị thế Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc bậc trung, một quốc gia có trách nhiệm và là một đối tác của cộng đồng quốc tế. Nhưng để có được một vị thế như vậy, chúng ta không chỉ bắt đầu từ ngày hôm qua.
Chúng ta có sau lưng mình cả một lịch sử lâu dài, với những cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập và chủ quyền dân tộc. Không có một tinh thần như vậy của bao nhiêu thế hệ tổ tiên, của lớp lớp cha anh, không thể có Việt Nam của ngày hôm nay là một đối tác quan trọng của các cường quốc, của nhiều dân tộc trên thế giới.
Không chỉ từ một bản Tuyên ngôn Độc lập của cụ Hồ Chí Minh tinh tế trích dẫn những ý tưởng và giá trị phổ quát từ tuyên ngôn Độc lập của 1776 của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, vốn được các nên văn minh phương Tây trân trọng và thừa nhận, các thế hệ cách mạng tiền bối và đồng bào Việt Nam đã vượt qua rất nhiều hy sinh, đau khổ và mất mát, qua những cuộc chiến tranh tàn khốc để có được một “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” như cụ Hồ Chí Minh trân trọng tuyên cáo với thế giới từ quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945.
Những gì chúng ta có được hôm nay, những gì chúng ta xác lập trong các mối quan hệ hôm nay với các quốc gia khác, là thành quả được tạo ra từ quá khứ hào hùng và từ những khổ đau, khó khăn mà dân tộc, mà đất nước đã đi qua. Chúng ta có được những người bạn mới, thiết lập những mối quan hệ gắn kết với các cựu thù, từ chính những di sản từ cả những tháng ngày khó khăn ấy.
Tổng thống Biden và những người bạn Mỹ có thể đến tấm phù điêu trên đường Thanh Niên để tưởng nhớ John McCain, với tư cách là một thượng nghị sĩ đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ trong hơn 20 năm qua, nhưng tấm phù điêu ấy không tồn tại ở đó, nếu không có chiến công và sự quả cảm của quân và dân Hà Nội trong nhưng tháng năm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Tấm phù điêu ấy được dựng lên, để ghi dấu chiến công của những người dân thủ đô đã bắn rơi chiếc máy bay A4 do phi công McCain lái, đến Hà Nội để ném bom, phá huỷ những công trình dân sự của thủ đô còn nghèo khó lúc đó. Chiếc A4 bị rơi và phi công McCain đã rơi xuống hồ Trúc Bạch, ngay gần nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu của bom Mỹ, nguồn cấp điện duy nhất cho Thủ đô lúc đó. Tấm phù điêu ấy để nhắc nhở những ngày gian khó và hào hùng, nhắc nhở tinh thần gan góc, quật cường của từng người dân thủ đô, từng người dân Việt Nam đã từng đi qua những năm tháng chiến tranh và chiến thắng. Để đi đến ngày hôm nay.
Và đó là lịch sử, là một phần của lịch sử.
Chính McCain khi còn sống, cũng trân trọng quá khứ ấy, và ông, cùng nhiều người bạn Mỹ, đã hành động để khép lại quá khứ cựu thù ấy, xây dựng một mối quan hệ mà hôm nay, chúng ta đang tận hưởng.
Không có quá khứ thì không thể có hôm nay, không thể có tương lai.
Tôi nhớ, trong một lần đến văn phòng của Chủ tịch Hội cựu chiến binh Hoa Kỳ ở Washington DC, trên kệ sau lưng ông là một tấm biển kim loại, khắc một câu nói nổi tiếng của John Frank Kennedy, tổng thống Mỹ “Forgive your enemies, but never forget their name” “Hãy tha thứ cho kẻ thù, nhưng đừng bao giờ quên tên của họ”.
Chúng ta sẽ mang theo hành trang của quá khứ, của lịch sử, trong đó có những chương buồn của lịch sử, để tạo dựng một mối quan hệ bạn bè mới, và những bài học lịch sử, chắc chắn sẽ chỉ làm cho mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” mới được các vị lãnh đạo tuyên cáo, trở nên bền vững và thực chất hơn.
Lịch sử là không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể học được từ quá khứ, để ngày mai tốt đẹp hơn. Mỗi ngày.