Sáng nay (ngày 13/9), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo "Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số". Hội thảo có sự tham gia tham luận của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo nêu ra thực trạng
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cho biết, trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các nền tảng số xuyên biên giới, hệ thống trang tin tổng hợp, báo chí đối mặt nhiều thách thức, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ; đặc biệt, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí ngày càng phổ biến. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, trong bối cảnh đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tham luận tại Hội thảo, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram,… xảy ra rất nhiều tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của nhiều báo đa dạng hình thức.
Điển hình như tình trạng, hình ảnh (video) của báo Tuổi Trẻ bị các kênh lấy lại, được phóng to ra nhằm làm mất logo của chủ sở hữu, hình ảnh (video) bị lật ngược chiều so với bản gốc ban đầu. Chia cắt hình ảnh gốc thành nhiều đoạn rồi "chế biến" lại. Sử dụng phần mềm làm thay đổi âm thanh gốc của nội dung.
Lấy nội dung (bản text) của các bài viết trên báo Tuổi trẻ rồi đọc thoại lại (voice off) trên hình ảnh của mình. Dùng phần mềm che mờ logo rồi đặt logo khác đè lên logo của chủ sở hữu. Sử dụng thêm các hình ảnh, hình động, đè lên nội dung gốc nhằm "qua mặt" AI của hệ thống quét.
Các nền tảng mạng xã hội này cũng chiếm đoạt bản quyền, mạo danh bản quyền (ví dụ giả danh VTV hay các trang web giả mạo báo điện tử - có nội dung, giao diện gần như y hệt, chỉ hơi khác tên miền); phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền.
Một số trang giả mạo "cố tình" không ghi rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép nên rất khó để các cơ quan chức năng truy xét và xử lý vấn đề bản quyền.
Tác hại tiềm ẩn từ các trang web, nền tảng mạng xã hội giả mạo, vi phạm bản quyền báo chí này là rất lớn, khiến người truy cập tiếp xúc với nội dung không phù hợp với trẻ em, virus, phần mềm độc hại, gian lận và lừa đảo.
PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, theo số liệu ghi nhận của Kantar Media Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok trong năm 2022 (số liệu từ tháng 3/2022) là khoảng 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình. Năm 2023, dự kiến con số này là 3,4 tỷ USD, tương đương 80 nghìn tỷ đồng.
Còn theo khảo sát của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông với 158 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu của những đơn vị này đều giảm. Trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng).
Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Rõ ràng, "miếng bánh" quảng cáo đã bị các doanh nghiệp Facebook, Youtube, TikTok,… chiếm phần lớn (khoảng 80.000 nghìn tỷ đồng), phần nhỏ dành cho các cơ quan báo chí (khoảng 3.000 tỷ đồng). Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tính trạng này là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang trở thành vấn nạn nhức nhối.
Từ đó, vai trò của bảo vệ bản quyền báo chí càng được đặt lên hàng đầu để bảo vệ người làm báo, các cơ quan báo chí, bảo vệ nguồn thu. Theo bà Hằng, có 4 điểm chính để bảo vệ bản quyền báo chí hiện nay gồm:
Một là, đấu tranh cho quyền lợi của nhà báo và cơ quan báo chí - chủ thể bản quyền báo chí trên môi trường số,
Hai là, bảo vệ bản quyền báo chí tạo động lực cho sáng tạo nội dung số, đảm bảo chất lượng tác phẩm báo chí, hướng tới nền báo chí chất lượng cao.
Ba là, bảo vệ bản quyền báo chí tốt khuyến khích đầu tư cho các dự án báo chí số và báo chí sáng tạo
Bốn là, bảo vệ bản quyền báo chí tốt góp phần bảo vệ nguồn tài chính cho các cơ quan báo chí, hợp pháp hoá và thúc đẩy tiến trình thực thi các mô hình kinh doanh báo chí số.
Tham gia tham luận tại Hội thảo, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh gia, vi phạm bản quyền nội dung số có xu hướng gia tăng, chủ yếu về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc….
Các hành vi vi phạm bản quyền được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi, và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, của các tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp, nhưng diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn.
Tại Hội thảo về bảo vệ bản quyền nội dung số do Cục PTTH và TTĐT tổ chức, các chủ sở hữu quyền bức xúc vì nạn ăn cắp bản quyền trắng trợn, công khai, như: một số báo dẫn đường link và livestream nội dung của K+ mà không xin phép; 7 cơ quan báo chí bị VTV-cap khởi kiện; các trang web được mở ra để livestream các trận bóng đá mà Đài truyền hình VTV, VTC truyền hình trực tiếp; chặn trang web này thì lại có ngay trang web khác. Hơn nữa, quy trình xử lý vi phạm mất cả tuần nên chủ sở hữu quyền rơi vào tình trạng "được vạ thì má đã sưng", thiệt hại kinh tế là rất lớn.
Một là, để hạn chế người tiêu dùng bất hợp pháp, cách hiệu quả nhất để đối phó với vi phạm bản quyền kỹ thuật số là trải nghiệm khách hàng và giá cả, bên cạnh thư viện nội dung. Mang đến cho người dùng một giao diện đơn giản, dễ sử dụng, không có hiện tượng trễ và chất lượng video tốt có thể ngăn người xem tránh xa các nền tảng và bản sao nội dung vi phạm bản quyền chất lượng kém. Nếu các công ty cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn, người tiêu dùng có thể ít bị ép buộc hơn bởi các con đường vi phạm bản quyền.
Hai là, tăng cường giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức người dùng, rằng vi phạm bản quyền là một tội ác và nó là bất hợp pháp. Ví dụ, hành vi chia sẻ thông tin đăng nhập, các bạn trẻ, thậm chí cả bố mẹ của chúng đều làm. Đây là một dạng vi phạm mà mọi người đều làm, và do đó hoạt động này không còn có vẻ bất hợp pháp vì hành vi này được hiểu là bình thường. Sự nhầm lẫn của người tiêu dùng xung quanh vi phạm bản quyền kỹ thuật số là một vấn đề nghiêm trọng. Người dùng Internet bình thường có thể khó phân biệt giữa nội dung bất hợp pháp và hợp pháp với nhiều dịch vụ phát trực tuyến hiện có. Mặc dù người dùng có thể biết rằng tải xuống một bộ phim có thời lượng đầy đủ từ mạng là bất hợp pháp, nhưng hầu hết người dùng Internet sẽ cho rằng một trang web phát video trực tuyến, đặc biệt là một trang web có thu phí thành viên là đang cung cấp nội dung hợp pháp.
Vì thế, giáo dục công chúng về tác động của vi phạm bản quyền kỹ thuật số là rất quan trọng, cũng như dạy người tiêu dùng cách phân biệt giữa các nền tảng nội dung hợp pháp và bất hợp pháp.
Ba là, các chủ sở hữu quyền cần bảo vệ mình bằng cách khởi kiện tại toà, yêu cầu xử lý hình sự loại tội phạm này. Cần đẩy mạnh truyền thông về các phiên toà này; về vi phạm bản quyền của các nền tảng nội dung xuyên biên giới.
Bốn là, cần ứng dụng công nghệ để biết được nội dung nào đang bị vi phạm bản quyền và ở đâu. Điều đó cần có sự can thiệp của kỹ thuật ở giai đoạn trước khi truyền. Trí tuệ nhân tạo sẽ giám sát các luồng video. Công nghệ này hạn chế việc sao chép nội dung trái phép và cho phép chủ sở hữu nội dung thực thi các yêu cầu cấp phép. Bảo vệ này được thực hiện bằng cách nhúng mã ngăn nội dung bị phân phối mà không được phép. Nó cũng hạn chế cách người dùng có thể lấy nội dung. Phần mềm được mã hóa, vì vậy hệ thống hoạt động theo cách mà ngay cả khi người dùng đã tải xuống video thì sẽ không thể chia sẻ video đó; có thể tải xuống nội dung để xem sau, nhưng video sẽ không được lưu trên thiết bị của họ. Ngay cả khi họ đã chụp ảnh màn hình video, hình ảnh sẽ bị bôi đen. Việc lấy dấu vân tay cho phép chủ sở hữu nội dung dễ dàng xác định xem nội dung của họ có bị tải lên các trang web như YouTube bất hợp pháp hay không.
Ví dụ, khi người dùng cố gắng tải một tệp lên YouTube, hệ thống nhận dạng vân tay của YouTube sẽ phân tích tệp và kiểm tra tệp đối với dấu vân tay trong cơ sở dữ liệu của nó để xem liệu nội dung có phải là tài liệu có bản quyền hay không.
Lấy dấu vân tay bao gồm quá trình phân tích video và âm thanh để tạo ra một dấu vân tay kỹ thuật số duy nhất cho phần nội dung cụ thể đó (một dạng ID content)
Năm là, sau khi phát hiện thấy một vi phạm, cần phải có hành động nhanh chóng để xử lý. Điều này ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong những năm gần đây vì vi phạm bản quyền đã xoay trục sang phát trực tuyến theo thời gian thực và các dòng doanh thu bất hợp pháp béo bở liên quan đến thể thao trực tiếp nói riêng (giá đặc biệt phải trả để truy cập nội dung thể thao khiến nó trở thành mục tiêu vi phạm). Việc xóa nội dung khỏi Internet càng nhanh càng tốt là cách tốt nhất để ngăn chặn những hành vi vi phạm và hướng người tiêu dùng đến các lựa chọn thay thế hợp pháp. Vấn đề là các chủ sở hữu quyền phải chủ động ứng dụng công nghệ rà quét để phát hiện sớm vi phạm; vai trò của cơ quan quản lý, của ISP, những chế tài quy định đối với ISP. Luật "tin giả" của Singapore có quy định xử lý nghiêm các ISP không tuân thủ lệnh chặn gỡ. Hay quy trình "Process 24h" của Malaysia là kinh nghiệm phù hợp để triển khai ở Việt Nam trong việc chặn gỡ, xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường mạng trong vòng 24h.
Sáu là, vấn đề hợp tác. Mặc dù các công ty ở tất cả các cấp của chuỗi phát sóng đang có sự cạnh tranh, nhưng thiệt hại do vi phạm bản quyền nội dung là quá lớn nên cần nỗ lực đồng bộ trong hợp tác. Những điều này cần phải diễn ra ở tất cả các cấp của ngành và ở tất cả các bước của quy trình, từ sản xuất và bảo mật nội dung tại chỗ cho đến truyền tải. Càng nhiều công ty và tổ chức tham gia, giải pháp tổng thể càng hiệu quả. Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, sự hợp tác của các ISP, hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu quyền và chủ sở hữu quyền sẽ tạo thành liên minh để bảo vệ nội dung số trước vấn nạn ăn cắp bản quyền đang bùng nổ trên không gian mạng./.