Vượt khó xây dựng nông thôn mới
Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Những năm qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn thể nhân dân. Qua đó, giúp người dân chủ động tích cực tham gia dưới nhiều hình thức nhằm góp phần vào thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Sau 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật như: có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 2 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã đạt 15,1 tiêu chí, tăng 12,9 tiêu chí/xã so với năm 2011, không còn xã dưới 10 tiêu chí (theo bộ tiêu chí cũ).
Theo ông Phương, các công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi như: hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, hạ tầng giao thông trung tâm các xã tạo lan tỏa cho phát triển; xây dựng trường học, trạm y tế đạt chuẩn.
Các nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng theo mô hình nhà Gươl truyền thống, xây dựng 3 khu tái định cư tập trung, dự án khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang do Tập đoàn FVG đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng và đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1….
Bên cạnh đó, huyện Đông Giang đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo cơ cấu nông nghiệp – dịch vụ – công nghiệp. Trong nông nghiệp đã tập trung phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế rừng, gắn kết giữ rừng, bảo vệ rừng; phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nâng cao thu nhập từ lợi thế kinh tế vườn – rừng
Ông Phương cho biết, huyện Đông Giang đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu cho hiệu quả kinh tế cao và sẽ huyện tiếp tục nhân rộng trong những năm đến như: mô hình chăn nuôi gà thả vườn, nuôi heo đen địa phương, nuôi bò bán chăn thả, nuôi hươu sao lấy nhung, nuôi dúi; trồng ớt A Riêu (7ha), chè xanh (220ha), chè dây (10ha); chuối (750ha), bòn bon (67,4ha); hơn 442ha cây quế, gáo vàng, bời lời; 159ha trồng cây dược liệu; xây dựng vườn bảo tồn giống cây ba kích (4ha).
Một số mô hình trồng mây dưới tán rừng tự nhiên tại xã A Ting, xã Sông Kôn và khai thác mây bền vững tại xã Mà Cooih bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân cải thiện đời sống.
Đặc biệt, huyện Đông Giang chú trọng triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và xem đây là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến cuối năm 2022, Đông Giang có 16 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của 9 chủ thể, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng như: Ớt A Riêu, Chè dây Ra Zéh, Trà xanh Quyết Thắng, Trà OoLong Quyết Thắng, Trà hoa hồng Panan, Chè dây hoa hồng, Rượu Ka Kun, Rượu Tà Vạc, các sản phẩm trang trí, thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống….
Mặc dù, huyện Đông Giang có địa hình khá phức tạp và hiểm trở với nhiều dãy núi cao, vì thế huyện gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Song, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực thực hiện các công tác giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 5%.
"Để tiếp tục đưa các xã còn lại về đích nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030, huyện Đông Giang xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, từng bước đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững; xây dựng nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống cho bà con nhân dân...", ông Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, xác định mục tiêu chính của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, vì thế, ngoài việc chú trọng đầu tư hạ tầng, Đông Giang xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi và trồng trọt mới.
Tập trung thực hiện phát triển kinh tế vườn - rừng tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân nông thôn phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Đông Giang phấn đấu có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện là 16,7 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; có 24 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.