Dân Việt

Doanh nghiệp nông nghiệp kêu với lãnh đạo TP.HCM khó đăng ký bản quyền giống, đưa hàng vào siêu thị

Quang Sung 13/09/2023 16:30 GMT+7
Nhiều HTX, doanh nghiệp nông nghiệp TP.HCM gặp khó khi không đăng ký được bản quyền giống, không đưa được sản phẩm vào các siêu thị lớn

Tại chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2023, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã bày tỏ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình sản xuất.

Doanh nghiệp khó đăng ký bản quyền giống

Trả lời câu hỏi của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM về việc trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nông dân TP.HCM thiệt hại như thế nào? 

Bà Liêu Thị Kim Phượng - Giám đốc HTX Vườn Lan Việt cho biết, đợt dịch vừa qua HTX của bà thiệt hại khoảng 2.000 cây hoa lan. Việc vận chuyển, xuất bán hoa cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, HTX của bà Phượng cũng đang gặp khó khăn về đăng ký bản quyền giống.

Bản quyền giống, bán lẻ gặp khó, doanh nghiệp nông nghiệp báo với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh 1.

Bà Liêu Thị Kim Phượng - Giám đốc HTX Vườn Lan Việt. Ảnh: Quang Sung

“Hiện tại, chúng tôi đã chọn lọc lai tạo ra một mặt hoa Dendro cánh hoa hình trái tim. Có được sản phẩm này là một điều không dễ dàng, vì thế chúng tôi rất cẩn trọng trong việc tìm hiểu đăng ký bản quyền trước khi nhân giống, sản xuất đưa ra thị trường. Tôi đã đi đến các văn phòng Luật để đặt vấn đề làm hồ sơ đăng ký. Nhưng mà hiện tại, vẫn chưa có được câu trả lời”, bà Phượng nói.

Do đó, bà Phượng mong muốn được các cấp Hội, ban ngành của thành phố tháo gỡ để HTX có thể đăng ký bản quyền các sản phẩm giống. Từ đó tạo điều kiện để đưa sản phẩm ra thị trường và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Khoa - Giám đốc HTX Rau Sạch Nên Ăn (huyện Hóc Môn) cho biết, hiện nay các HTX đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ chính quyền.

“Anh em HTX ở Hóc Môn đi thuê đất là nhiều. Khi thuê mình hợp đồng có 2 - 3 năm, do đó nếu đầu tư trên đó thì chỉ đầu tư 2 - 3 năm. Sau đó thuê chỗ mới, phải di dời nên rất là tốn kém. Vốn hiện nay của bà con phần lớn là người dân tự lực, nên hạn chế sự mở rộng phát triển”, ông Khoa cho biết.

Bản quyền giống, bán lẻ gặp khó, doanh nghiệp nông nghiệp báo với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh 3.

Chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2023 với chủ đề “Nông dân với chính sách phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM” , diễn ra sáng ngày 13/9. Ảnh: Quang Sung

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, chính sách về cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM đã triển khai xuyên suốt từ năm 2011, đến 2021 hết thời hạn thực hiện. Trong quá trình tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay, đáp ứng cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố có một số vấn đề chưa thống nhất giữa các sở.

"Vừa rồi Sở NNPTNT đã có báo cáo gửi UBND TP để có buổi họp tháo gỡ nội dung này. Nếu nội dung này được tháo gỡ, thì chính sách này sẽ được trình cho HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm 2023", ông Hoàng cho biết.

Bản quyền giống, bán lẻ gặp khó, doanh nghiệp nông nghiệp báo với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh 4.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp TP.HCM kinh doanh mảng rau sạch, phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Quang Sung

Cần có kênh phân phối sản phẩm OCOP

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Meet More Coffee cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đang gặp những khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm chế biến từ nông sản ra thị trường.

Theo ông Luận, doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất và kinh doanh những sản phẩm chế biến sâu từ nông sản, trong đó nổi bật là cà phê nông sản. Sản phẩm của công ty ông đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính.

“Thế nhưng khi về thị trường Việt Nam, việc đưa các sản phẩm của chúng tôi vào các siêu thị bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần gửi hồ sơ, đăng ký đưa sản phẩm vào các siêu thị của Nhà nước, nhưng không nhận được câu trả lời”, ông Luận phát biểu.

Ông Luận cho biết thêm, các sản phẩm của công ty ông được công nhận OCOP 4 sao, doanh thu bán tại các thị trường nước ngoài rất tốt. 

Ông Luận đề nghị cần có điểm bán riêng dành cho sản phẩm OCOP tại các siêu thị lớn và có các cửa hàng chuyên trưng bày, bán sản phẩm OCOP.

Bản quyền giống, bán lẻ gặp khó, doanh nghiệp nông nghiệp báo với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh 6.

Sản phẩm OCOP lên kệ một siêu thị tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, tất cả các sản phẩm OCOP của thành phố khi được công bố đều đã làm các chương trình kết nối các kênh phân phối.

“Lý do tại sao kết nối với các hệ thống phân phối Nhà nước khó hơn so với cá hệ thống phân phối khác, là do hệ thống các hệ thống phân phối của Nhà nước đã được đầu tư khá lâu, diện tích khá nhỏ, diện tích trưng bày nhỏ. Do đó, việc đưa một sản phẩm mới lên kệ, bắt buộc đưa một sản phẩm khác ra”, ông Phương lý giải.