Nhớ lại buổi hôm đó, chúng tôi thấy Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đứng trên bục, lướt nhìn xuống khán phòng chủ yếu là các bạn trẻ với đồng phục và huy hiệu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên ngực, ông đã mỉm cười: "Nếu chú Ba Quốc còn sống thì tôi sẽ nói: Cháu không viết về chú, cháu viết về thế hệ Hồ Chí Minh mà chú là một trong những tấm gương sáng. Cháu không viết dành cho chú mà cháu dành cho các bạn trẻ".
Chia sẻ với các đoàn viên, thanh niên TP.HCM, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói lên những tâm huyết, điều tiếc nuối của mình với cuốn sách cũng như những bài học mà ông rút ra được trong suốt thời gian kề cận người thầy của mình. Ông cũng tự nhận mình không phải là người viết lách chính vì vậy cuốn sách của mình còn khá nhiều lỗi.
"Đồng thời có hai điều cấm kị trong ngành tình báo không bao giờ được tiết lộ là phương thức của ngành tình báo và những câu chuyện cũ nhạy cảm của ngành tình báo.
Chính vì vậy một chương cuối cùng tôi bắt buộc phải bỏ khiến tôi tiếc như là mất của vậy, nên cuốn sách có những điểm không rõ, điểm mờ thì cũng mong các bạn nhất là các bạn thanh niên thông cảm", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Không chỉ là một nhà tình báo, nhà chỉ chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, Thiếu tướng Đặng Trần Đức còn là một người thầy có cá tính đặc biệt, nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.
Hơn 45 năm kể từ ngày đầu tiên gặp ông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chưa bao giờ quên được những bài học mà Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức chỉ dạy ông trong suốt thời gian kề cạnh. Ông vẫn nhớ như in những bài học "rất đời thường, rất con người" mà mình từng nhận được.
"Người thầy không chỉ dạy về kiến thức, mà bao giờ cũng phải dạy đạo đức, dạy cách làm người, làm học trò, từ đó mới có cái để học về nghề. Đấy chính là bài học chú Ba đã dạy lại cho tôi. Một con người dù ở vị trí nào đi nữa cũng phải rèn đạo đức làm người, hãy làm người tốt đi đã rồi hãy làm những thứ khác", tướng Vịnh chia sẻ.
Điều ông tâm đắc nhất trong suốt 20 năm sống cùng Thiếu tướng Đặng Trần Đức, là ông đã được dạy: Đã yêu cái gì thì yêu sống chết, quyết liệt, sống chết vì tình yêu đó. Yêu Tổ quốc thì sống chết vì Tổ quốc, yêu gia đình thì sống chết vì gia đình, yêu nghề nghiệp thì sống chết với nghề: "Khi chú Ba nghỉ hưu, chúng tôi thấy buồn nhưng chú Ba nói: Có gì phải buồn, tôi sống tình báo nuôi, chết tình báo chôn. Vậy đó".
Có thể nói "Người thầy" là một trong số những cuốn sách hiếm hoi về lĩnh vực tình báo có nội dung không đóng kín về chuyên môn, nghiệp vụ mà mở rộng sang nhiều mảng như đạo đức xã hội, tình vợ chồng, cha con, thầy trò…
"Đây là cuốn sách viết về con người của ông thầy cùng những học trò của mình. Nhưng bởi vì ông thầy và cả học trò cũng là người làm tình báo nên buộc phải đưa những câu chuyện làm tình báo vào, chứ cuốn sách này tôi chỉ viết về tình thầy trò, nhân cách của chú Ba", Thượng tướng Vịnh trải lòng.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù được Đảng, Nhà nước, quân đội, các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc cứu chữa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã từ trần rạng sáng 14/9 tại nhà riêng.