Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Người thầy" trước hết là dạy đạo đức, dạy cách làm người
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Người thầy" trước hết là dạy đạo đức, dạy cách làm người
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 11/03/2023 15:04 PM (GMT+7)
Ngày 11/3 tại Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, Sở Thông tin truyền thông TP, NXB Quân đội nhân dân và Thành đoàn TP.HCM tổ chức giao lưu về cuốn sách "Người thầy" của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, cuốn sách Người thầy đã nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc cả nước. Sau 1 tháng phát hành từ ngày 10/2, cuốn sách đã phát hành gần 6.000 bản.
Người thầy dày gần 500 trang được viết dưới dạng chuyện kể, gần với hình thức chương, hồi. Ở ngôi "tôi", tác giả, người dẫn chuyện, đã gặp gỡ, làm việc với những nhân vật nắm giữ những cương vị quan trọng của Nhà nước và quân đội ở những thời điểm đặc biệt của lịch sử.
Là tác phẩm phi hư cấu, bên cạnh nhân vật chính, xuyên suốt là Thiếu tướng Ðặng Trần Ðức, tác giả đã cho bạn đọc cơ hội "gặp gỡ" một số nhân vật lịch sử nổi tiếng: Ông Sáu Nam (Chủ tịch nước Lê Ðức Anh) với vai trò người đứng đầu Nhà nước và quân đội, đồng thời là người chỉ huy cao nhất quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia; các vị tướng đứng đầu tình báo quân đội: Vũ Chính, Tư Văn (Nguyễn Như Văn); những nhà tình báo "huyền thoại": Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Sáu Trí (Nguyễn Văn Khiêm), Hai Nhạ (Vũ Ngọc Nhạ)... Mỗi tên tuổi cùng cuộc đời và chiến công của họ đều có thể trở thành đề tài của một hoặc nhiều cuốn sách.
Nhân vật trung tâm ông Ba Quốc là nhà tình báo nổi tiếng trong lịch sử tình báo Việt Nam, hội đủ những phẩm chất của một điệp viên "chui sâu, leo cao" hoàn hảo, một cán bộ tình báo tài năng, một nhà chỉ huy có tầm nhìn chiến lược và một con người có cá tính đặc biệt: nghiêm khắc, sắc sảo, quyết liệt nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.
Về những chiến công của ông trong 20 năm hoạt động phản gián giai đoạn trước năm 1975, đã được ít nhiều biết đến qua hai bộ tiểu thuyết "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" của Nguyễn Trần Thiết và "Tình báo không phải nghề của tôi" của Khuất Quang Thụy.
Ở Người thầy, tác giả viết về chặng đường đời và những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau những năm 1975. Ðó là thời kỳ bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Ðỏ; thời kỳ chiến tranh biên giới phía bắc; thời kỳ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ và thời kỳ đặt nền móng tương lai cho ngành tình báo trong hoàn cảnh và điều kiện mới...
Là người trong cuộc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tận dụng thế mạnh của người am hiểu công việc tình báo; sự gần gũi, chân tình cho dù rất nghiêm khắc của ông Ba Quốc, từ những ngày đầu bước chân vào nghề đến khi được đào tạo thành một chỉ huy tình báo.
Bằng vốn hiểu biết và sự mẫn cảm tinh tế của người trong nghề, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã triển khai câu chuyện từ khía cạnh chân dung con người đời thường, từ đó khái quát tầm vóc phi thường của nhà tình báo xuất sắc với những chiến công thầm lặng mà hiển hách.
Người thầy không chỉ nói về những đóng góp quan trọng của ông Ba Quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn nói về sự hy sinh không thể nói ra, những khó khăn ông phải vượt qua trong cuộc sống riêng tư éo le, những bài học về nghề tình báo, những tình cảm sâu kín và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao đẹp với đồng đội, gia đình và thế hệ kế cận.
Ông Ba Quốc và thế hệ của ông đã làm nên những huyền thoại, nhưng bản thân họ không phải là huyền thoại mà là con người bình thường, phải đối mặt với tất cả những vấn đề thuộc về con người. Và họ đã vượt qua những điều đó trên tinh thần phụng sự Tổ quốc là trên hết.
"Ðối với ông, có hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là tình yêu là lý tưởng. Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Tình yêu của ông Ba là tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đúc kết.
Tại buổi giao lưu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tâm sự, đây là cuốn sách ông viết dành cho các bạn trẻ. Câu chuyện về Thiếu tướng Đặng Trần Đức cũng như những người đồng đội của ông, không chỉ là câu chuyện về riêng ông, về ngành tình báo quốc phòng, mà còn là những câu chuyện về thế hệ Hồ Chí Minh, không chỉ là lịch sử mà còn là giá trị của dân tộc, của đất nước phải giữ gìn. Đó cũng chính là lý do để cuốn sách ra mắt bạn đọc.
"Người thầy không chỉ dạy về kiến thức, mà bao giờ cũng phải dạy đạo đức, dạy cách làm người, làm học trò, từ đó mới có cái để học về nghề. Đấy chính là bài học chú Ba đã dạy lại cho tôi. Một con người dù ở vị trí nào đi nữa cũng phải rèn đạo đức làm người, hãy làm người tốt đi đã rồi hãy làm những thứ khác", tướng Vịnh chia sẻ.
Điều ông tâm đắc nhất trong suốt 20 năm sống cùng Thiếu tướng Đặng Trần Đức, là ông đã được dạy: Đã yêu cái gì thì yêu sống chết, quyết liệt, sống chết vì tình yêu đó. Yêu Tổ quốc thì sống chết vì Tổ quốc, yêu gia đình thì sống chết vì gia đình, yêu nghề nghiệp thì sống chết với nghề: "Khi chú Ba nghỉ hưu, chúng tôi thấy buồn nhưng chú Ba nói: Có gì phải buồn, tôi sống tình báo nuôi, chết tình báo chôn. Vậy đó".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.