Nhà báo Trần Quang Minh được biết đến là Biên tập viên, nhà sản xuất, MC của Đài truyền hình Việt Nam qua các chương trình như truyền hình thực tế, tài liệu thực tế, gameshow Chúng tôi là chiến sĩ, Đối mặt và Trẻ em luôn đúng. Đặc biệt anh đã từng giành được nhiều giải thưởng Báo chí Quốc gia.
Năm 2021, sau những chuyến đi trải nghiệm một mình, anh đã nảy ý định làm chương trình trải nghiệm mang tên Come Minh Vietnam. Số đầu tiên nhà báo Trần Quang Minh làm là khám phá địa đạo Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, sau đó là những trải nghiệm độc đáo tại các hang động ở Quảng Bình; điểm đến hố sụt khổng lồ (Cao Bằng), hang rắn (Lạng Sơn), thác Rồng (Lào Cai)…
Là người đam mê với khám phá, trải nghiệm mạo hiểm, nhà báo Trần Quang Minh đã có những chia sẻ cởi mở, ly kỳ với Dân Việt trong những chuyến đi mà anh đã trải qua.
Xin chào anh, sau hai năm chương trình Come Minh Vietnam được phát trên Youtube, có vẻ như lượng khán giả theo dõi và tương tác đang ngày một nhiều. Vậy để duy trì đều đặn các tập cũng như tăng thêm lượng khán giả theo dõi, anh có gặp nhiều áp lực?
- Nói một câu ngắn gọn, tôi gặp siêu áp lực. Tôi áp lực với những chuyến đi. Áp lực về nội dung để duy trì đều đặn các tập. Mặc dù đây là điều tôi đã tự đặt ra luật chơi cho chính mình, mỗi tuần phải có 1 tập.
Chương trình tôi làm là chương trình trải nghiệm và thực tế nên tôi không thể làm theo cách ngồi nhà hay chỉ cần đi loanh quanh Hà Nội là có thể làm được mà đòi hỏi tôi phải đi các tỉnh, vùng miền để tìm kiếm thông tin.
Chương trình này tôi làm theo cách là phim tài liệu, thực tế nên tôi không cần phải viết kịch bản. Khi đến đó, tôi sẽ quay cho khán giả biết ở đó có gì, tôi sẽ nói những điều tôi đang nhìn thấy.
Trong các video đã được đăng tải, các clip về Quảng Bình rất nhiều, liệu có phải Quảng Bình là điểm đến cho anh nhiều ấn tượng, cảm xúc?
- Lý do tôi quay nhiều về Quảng Bình không phải vì tôi ưu ái. Vì Quảng Bình là tỉnh được mệnh danh là vương quốc của hang động, với hơn 400 hang động.
Thực sự, với hơn 400 hang động, tôi đi cả đời không hết, chưa kể có rất nhiều hang tôi đi vài lần vẫn chưa thể khám phá hết sự kỳ diệu, bí ẩn của nó. Tôi ví dụ, trước đây tôi đã đi khám phá hang Rục Mòn, thế nhưng tới đây tôi sẽ lại tiếp tục quay lại hang này. Bởi hang Rục Mòn có quá nhiều hấp dẫn để tôi quay lại nhiều lần. Hang Rục Mòn là hang cực kỳ rộng, chiều cao có thể bằng một tòa chung cư. Chỉ tính riêng bơi trong dòng suối của hang tôi đã mất 7 tiếng. Miệt mài bơi, sau đó di chuyển leo lên các vách đá, rồi lại đu dây đi ngược lên trần hang.
Trên suốt hành trình, là những tuyệt tác của thiên nhiên với hàng nghìn nhũ đá đủ màu sắc, hình thú cực kỳ đẹp. Trong hang còn có những viên đá được bào mòn qua hàng triệu triệu năm. Đặc biệt có một viên đá được nước mài mòn tới mức tròn xoe, với nhiều ánh sắc bạch kim sáng óng ánh, tôi gọi đó là mắt rồng. Mà điều kỳ diệu là viên đá này lại nằm ở trên trần hang.
Ngoài ra khi leo lên trần hang, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều xương rắn có vẻ như nó đang trong thời gian hóa thạch. Những bộ xương rắn cho thấy đây là loài rắn rất to lớn, chiều dài lên tới hàng mét. Tôi gọi vui nơi đây là lăng mộ của loài rắn. Nếu như các nhà khảo cổ học đến tìm hiểu biết đâu lại xác định được niên đại và đây là cá thể rắn nào.
Không đánh đổi mạng sống để câu view, câu like
Có vẻ như anh sinh ra là để đi và trải nghiệm, anh không sợ nguy hiểm?
- Tôi rất thích kiểu đi du lịch trải nghiệm, khám phá mạo hiểm như thế này, thế nhưng tôi không đánh đổi tính mạng để câu view, câu like. Ví dụ nếu vào hang mà biết tỷ lệ nguy hiểm cao, hay đu dây xuống thác mà sẽ có nguy hiểm, tôi sẽ không đi.
Tuy nhiên, nếu nói các chuyến đi của tôi không gặp nguy hiểm thì cũng không đúng. Trong chuyến đi Quảng Bình tôi đã gặp rắn hổ mang chúa, loài rắn độc nhất trong các loài rắn. Nhưng với kỹ năng sinh tồn, tôi cũng hiểu, loài rắn không bao giờ tự dưng tấn công con người. Nó chỉ tấn công nếu như con người giẫm phải nó hay lùa bắt nó. Khi nhìn thấy rắn hổ mang chúa, tôi chưa kịp hoàn hồn thì nó đã phóng đi mất rồi.
Chuyến đi tới bản làng người Vân Kiều trong bản Đoòng tôi bắt gặp rắn lục đầu búa. Nó bò rất chậm, tôi dừng lại dí sát máy quay cách chừng 20cm quay cảnh nó bò lên cây. Sau đó tôi phát clip lên trang ComemingVietnam và có khán giả đã comment rằng, đó là loài rắn siêu độc, lúc đấy tôi cảm thấy "hết hồn". Ngoài ra, trong rừng còn rất nhiều nguy hiểm khác, như cây lá ngứa, lá ngón…
Nói về tai nạn thì tôi có một tai nạn nhớ đời đến già (cười), đó là vụ tại nạn với sứa lửa ở Vân Đồn.
Tôi có hai ngày một đêm ngủ trên biển ở ngoài vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Quảng Ninh. Khi tôi cho máy quay flycam bay trên cao và nhìn thấy một cái hồ nước trong xanh và có hàng nghìn con sứa lửa màu đỏ trông rất thích, tôi đã lội xuống và quay những con sứa này, thậm chí tôi còn cầm máy quay nhúng xuống nước để quay. Sau đấy khi về nhà tay và chân tôi ngứa, phồng rộp, trông rất sợ. Tôi đã bôi tất cả các loại thuốc chống ngứa mà không đỡ. Tôi mất 8 ngày chịu trận ngứa và đau nhức.
Một tai nạn khác nữa trong chuyến hành trình trải nghiệm của tôi, đó là khi tôi leo núi tôi đã bị một dễ cây chìa ra ngoài đâm trúng thái dương, máu trào phun. Còn những tai nạn kiểu như đứt tay, chân là chuyện bình thường, nhất là muỗi rừng đốt.
Chuyến đi nào khiến anh hồi hộp nhất?
- Đó là chuyến đi trải nghiệm thác Rồng ở Lào Cai. Trước khi bắt đầu hành trình, tôi và cả đoàn đã có sự chuẩn bị đầy đủ dây, đai, đồ bảo hộ, đèn pin và có hẳn một ngày tập huấn thực tế đu dây từ trên ngọn núi bằng đúng độ cao của thác Rồng. Thế nhưng khi bắt đầu hành trình trải nghiệm, tôi vẫn bị hồi hộp và ngộp với nhiều cảm xúc.
Thác Rồng Trung Lèng Hồ thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là con thác cực kỳ nguy hiểm, còn hoang sơ nhưng cũng là con thác đẹp nhất nhì Việt Nam.
Thác Rồng có nước từ trên đỉnh của những ngọn núi như Bạch Mộc Lương Tử… đổ xuống giữa hai vách núi. Nước được chảy từ khe vực bên này, đập sang khe vực đối diện và đổ xuống suối với độ cao là 120m. Dòng thác được hình thành theo cách như vậy nên nước cực kỳ xiết.
Để đu dây xuống dưới chân vực của thác, đoàn chúng tôi đã phải khoan ốc vít vào vách núi làm ba chặng. Khoảng chặng lưng chừng thác, có một đoạn mép núi nhô ra, vừa đủ cho chúng tôi hạ chân và dừng nghỉ.
Tôi là người đầu tiên đu dây xuống và đứng đợi mọi người. Điều kỳ diệu lúc đó là tôi nhìn thấy rất nhiều cầu vồng sáng lấp lánh bảy sắc hiện ra trước mắt, cực kỳ đẹp. Nhưng sau đó tôi bị nhiễm lạnh do đứng quá lâu ở gần thác nước, mặc dù tôi đã mặc bộ đồ lặn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị cóng và lạnh đến thế, tay tôi cứng đơ cảm giác không thể co lại và bấm máy quay. Hơi lạnh từ hơi nước của thác Rồng tỏa ra cùng với gió và tiếng gào của thác nước khiến tôi không thể nghe thấy bất cứ gì khác, tôi cảm giác như mình đang đứng giữa một cơn bão rất khủng khiếp.
Một chuyến đi nữa cũng gây cho tôi ấn tượng đó là chuyến đi địa đạo Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa đạo mang giá trị lịch sử được tạo nên bởi bàn tay con người, tuy nhiên 60 năm trôi qua, dường như địa đạo đã bị lãng quên vì sự tắc trách của cơ quan quản lý văn hoá và di tích của tỉnh Quảng Trị.
Có những địa đạo có giá trị lịch sử quan trọng đối với dân tộc như địa đạo nằm trong nhà cụ Trần Đình Diệu, là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Văn Đồng và Lãnh tụ Cu Ba - Fidel Castro đến để động viên tinh thần các chiến sĩ, người dân. Nhưng bây giờ nó nằm trong nhà dân và bị ngập úng.
114 địa đạo đã từng tồn tại và đến thời điểm tôi đến quay, khám phá thì chỉ còn hơn 20 địa đạo. Tôi cảm thấy đau xót, tiếc khi một giá trị lịch sử quan trọng như vậy lại bị lãng quên và phá bỏ.
Ngoài những tuyệt tác thiên nhiên mà anh đã được nhìn tận mắt và quay, còn điều gì khiến anh bị hấp dẫn?
- Có chứ, còn rất nhiều điều hấp dẫn. Những chuyến đi cho tôi nhiều điều thú vị mà không chỉ đơn thuần là khám phá, trải nghiệm, ngắm nhìn mà còn mang giá trị về khoa học, phát hiện sự sống ở trong những nơi mà con người không ngờ nhất.
Trong chuyến đi Lạng Sơn, tôi cùng các bạn Hà Nội Hà Nội Caving Club - Vietnam Expeditions khám phá hang rắn. Tôi được biết, hang rắn này nằm ở độ cao 70m và trong lòng hang cực kỳ nhiều rắn, có tới 10 cá thể rắn (hay còn gọi là trăn đất), con to nhất cỡ vài mét và có những cá thể rắn đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Thế nhưng, thời điểm tôi lên là vào mùa hè, tôi đã không gặp bất cứ con rắn nào, mặc dù tôi đã lùng sục tất cả ngõ ngách. Điều kỳ lạ là trong lòng hang không hề có lối ra, hang thì khá sâu, trên các vách hang chỉ có một số lỗ nhỏ. Tôi không hiểu rắn đã bò ra khỏi hang như thế nào? Khi tôi xuống đến lòng hang, tôi bắt gặp hàng nghìn con dơi và hàng triệu con dế, mà cả hai loài này là nguồn thức ăn của rắn.
Lý giải về điều này, các bạn Hà Nội Caving Clup cho hay, thời điểm tôi lên là thời điểm rắn lột xác nên đã bò ra khỏi hang. Tôi cảm thấy rất tiếc và đang ấp ủ vào mùa đông tới tôi sẽ quay lại.
Hay như chuyến đi khám phá hang Over (Quảng Bình), đây là hang được xếp vào top 6 hang động rộng lớn trên thế giới. Hang Over nằm sâu trong lòng đất. Bóng tối phủ hàng triệu triệu năm thế nhưng bên dưới của hang động, dòng suối vẫn có cá sinh sống. Những con cá không có mắt hay còn gọi nó là cá mù, màu trắng, có kích thước bé bằng ngón tay út và khá nhiều. Tôi đã quay rất nhiều về loài cá này và đăng tải trên trang Come Minh Vietnam.
Cái khó nhất của anh trước và sau chuyến đi là gì?
- Trước khi đi tôi thu xếp thời gian. Chuẩn bị đầy đủ các thiết bị như pin dự phòng, ắc quy khô để sạc cho máy tính, máy quay. Mang máy tính, mang ổ dự phòng để phòng khi ổ này hỏng còn có ổ khác. Điều khó nhất với tôi và cũng là bài toán hóc búa nhất ở mỗi chuyến đi là mang bao nhiêu kg là đủ.
Mỗi chuyến đi tôi đều phải có nghiên cứu kỹ nơi mình đến để "cân não" xem mình cần mang những gì, mang đồ như thế nào là hợp lý để tránh việc mình leo trong hang hay leo núi mà không bị quá nặng.
Tôi cũng thường xuyên luyện tập thể lực, đeo, mang vác nặng để có thể duy trì thể lực, sức khỏe cho mỗi chuyến đi.
Với nhiều người đi du lịch là nghỉ dưỡng, thư giãn hay chỉ đơn giản là thú chơi mạo hiểm nhưng với tôi, ngoài việc khám phá, trải nghiệm mạo hiểm chinh phục bản thân thì đi du lịch kiểu này cũng phải mang những giá trị nhất định, đó là cho cộng đồng, cho nghiên cứu và khai thác du lịch.
Xin cảm ơn anh!