Bên trong buồng thờ "Ma nộ" của người Mã Liềng Quảng Bình
Có gì bên trong buồng thờ "ma Nộ" của người Mã Liềng Quảng Bình?
Trần Anh
Thứ tư, ngày 07/12/2022 15:39 PM (GMT+7)
Trong căn nhà của người Mã Liềng ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) có một gian buồng đóng kín mít quanh năm. Người dân nơi đây gọi là "buồng thiêng", trong buồng đặt bàn thờ với bát hương thờ "Ma nộ".
Những ngày cuối năm 2022, PV Dân Việt ngược lên miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình). Thời tiết dịp này khá lạnh cộng với cơn mưa rả rích khiến con đường dẫn tới các bản vùng cao huyện này trơn trượt, hai bên đường rất vắng người.
Sau chặng đường dài di chuyển, PV tới được nhà ông Cao Dụng là già làng ở bản Kè, xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Ông Dụng đang quây quần với vợ con bên bếp lửa, gặp PV, ông hớn hở mời vào nhà cùng sưởi ấm bên ngọn than hồng.
Trong cuộc trò chuyện bên ấm nước nấu bằng lá rừng nóng hôi hổi, già làng Cao Dụng chỉ tay về một căn buồng sát bên cạnh bếp lửa rồi nói: "Căn buồng này người Mã Liềng chúng tôi gọi buồng thiêng. Buồng này luôn gài kín bằng các loại gỗ tốt với một lối đi vào được che chắn bởi tấm rèm hoặc cửa. Tôi sẽ mở cho chú xem phía trong và quan sát rồi chụp hình chứ không bước vào trong".
Vội đứng dậy mở cánh cửa phòng, già làng Dụng chỉ tay vào vị trí đặt bàn thờ và cho biết: "Chà bài là tên gọi của bà con chúng tôi về bàn thờ, phía trên đặt một bát hương và "Ma nộ". Nộ trong tiếng của người Mã Liềng có nghĩa là nỏ, cung tên".
"Trước đây, khi còn gắn chặt với lối sống du canh du cư, đàn ông Mã Liềng luôn đeo "Ma nộ" bên mình và xem đây là thứ báu vật linh thiêng nhất. "Ma nộ" đối với người Mã Liềng còn được xem như là một chiếc bùa hộ mệnh, biểu hiện của sức mạnh, phương tiện phục vụ đắc lực cho việc mưu sinh, bảo vệ bản thân, cộng đồng", già làng Cao Dụng nói.
Giải mã
Trò chuyện với PV, già làng Cao Dụng cho biết: "Bất cứ người đàn ông Mã Liềng nào khi đến tuổi trưởng thành cũng phải tự tay làm ra một "Ma nộ" và giữ đến cuối đời. Đến thời điểm dựng nhà mới hoặc chuyển đến nơi ở khác phải mời thầy đến thực hiện các nghi lễ cúng rồi mới được phép đặt "Ma nộ" lên bàn thờ trong buồng".
Theo già làng Cao Dụng, để làm được một "Ma nộ", trước tiên phải vào rừng tìm một cây gỗ tốt, dân nơi đây thường chọn gỗ táu.
Tiếp đó, dây của "Ma nộ" chủ yếu lấy từ sợi của cây si, chẻ ra rồi phơi khô, sau đó bện chặt lại. Mũi tên được làm bằng đông la cún (người miền xuôi thường gọi đây là cây tro hoặc cây cọ rừng).
Khi vít "Nộ", phần gỗ sẽ cong lại còn phần dây hầu như không cong, nhưng tạo ra một lực rất mạnh để đẩy mũi tên bay xa.
Ngày nay, chấp hành chủ trương của Nhà nước, người Mã Liềng không còn dùng "Nộ" (nỏ, cung tên) vào rừng săn bắn nhưng vẫn tôn kính vật dụng này.
Người Mã Liềng quan niệm, trong đời sống tâm linh, thế giới vũ trụ tồn tại rất nhiều "Ma" (thần linh) như: ma trời, ma núi, ma đá, ma đất, ma rừng, ma suối, ma tổ tiên, ma bếp... "Ma nộ" của người Mã Liềng chính là nơi để các "Ma" nhập vào, kể cả "Ma tổ tiên", nên phải được đặt ở vị trí "buồng thiêng" rất trang nghiêm. Qua đó, họ mong muốn đón nhiều may mắn trong một năm sinh hoạt, làm ăn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Cao Phương Hướng – Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Người Mã Liềng sống trên địa bàn xã tại 3 bản: Kè, Cáo và Chuối với 153 hộ, 555 nhân khẩu. Người Mã Liềng vẫn đang lưu giữ nhiều phong tục rất độc đáo, trong đó có việc thờ "Ma nộ"".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.