Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền 2023.
Mục đích của chương trình lần này nhằm triển khai cụ thể các nội dung đã xác định trong biên bản Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và 38 tỉnh, thành phố thuộc các vùng: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ.
Thông qua Tuần lễ sản phẩm OCOP 2023, TP.HCM mong muốn hỗ trợ giới thiệu, quảng bá thương mại và thúc đẩy kết nối cung cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng, miền tại 38 tỉnh, với thị trường TP.HCM.
Đây cũng là dịp để TP.HCM khẳng định vai trò cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của các vùng trong cả nước.
Sự kiện lần này, còn kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ kỹ thuật về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tạo điều kiện để doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh, thành tìm hiểu, đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp đặc thù của 38 tỉnh, thành.
Các sản phẩm tham gia Tuần lễ sản phẩm OCOP 2023 phải đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm đặc trưng của TP.HCM và 38 tỉnh, thành. Sự kiện dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 27-29/10/2023) tại công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM).
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và tập thể thực hiện.
Mục tiêu tổng quát của chương trình:
- Phát triển các hình thức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
-Góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.