Dân Việt

Kể chuyện làng: Mùa vả xứ Huế, nỗi nhớ quê nhà

Thiên An 16/09/2023 08:09 GMT+7
Tôi rời xa quê hương đã lâu, nhưng mỗi khi được quay về với làng quê xứ Huế đều mang đến những niềm háo hức khó quên.

Những ngày cuối xuân đầu hè, ngoài cảm giác được hóng gió đồng mát rượi, hít hà hương lúa non căng tràn trên cánh đồng ven sông, bản thân lại còn được say sưa trong vị chan chát của trái vả đầu mùa ở xứ Huế.

Kể chuyện làng: Mùa vả xứ Huế, nỗi nhớ quê nhà - Ảnh 1.

Mùa vả. Ảnh: Tác giả cung cấp

Miền Trung quê tôi vốn là nơi mưa nắng thất thường. Chắc cũng vì thế mà người quê tôi có câu ca than rằng: "Nắng cháy đầu, mưa thối đất". Thời tiết khắc nghiệt, khí hậu thất thường khiến nhiều loại thực vật, hoa trái khó lòng sinh trưởng ở đất Huế. Nhưng lạ thay, cây vả lại sinh trưởng rất dễ dàng tại vùng đất hẹp miền Trung khắc nghiệt này. Chắc cũng bởi vì cây yêu thích mảnh đất lành và cảm thông cho mảnh đất Thừa Thiên bao đời cơ cực mà ban tặng cho con người nơi đây biết bao thức quà tự nhiên, lành vị.

Ở vùng nông thôn xứ Huế khi ấy, vườn nhà ai hầu như cũng đều có trồng vài ba cây vả. Tuy nhiên, khu vực được trồng nhiều nhất chính là ở làng cổ Phước Tích. Ngôi làng nhỏ đã ghi dấu bao thăng trầm lịch sử khép nép bên dòng Ô Lâu vốn dĩ hiền hòa, cung cấp dòng nước mát lành tưới tắm cho những khu vườn vả để thêm xanh mướt. Cây vả được gieo trồng khắp nơi ở xứ Huế. Chắc cũng vì lẽ đó nên loại cây nông thôn này đã từ lâu đi vào nề nếp sinh hoạt của người dân quê nơi đây.

Kể chuyện làng: Mùa vả xứ Huế, nỗi nhớ quê nhà - Ảnh 2.

Cây vả. Ảnh: Tác giả cung cấp

Những ngày hè trời oi ả, lúc mặt trời chùng chình xuống khuất sau rạng tre cũng là lúc những o, những mệ ở quê tôi ra bến sông để gánh nước về tưới cây. Những đòn gánh cong cong oằn trên vai thon gầy của các o, các mệ chắt chiu hai đầu là những thúng nước nặng trĩu. Thời còn thơ, tôi hay lon ton theo chân mẹ đi gánh nước về tưới cho vườn vả sau nhà, Để khi đi nước không bị sánh ra khỏi thúng, mẹ tôi luôn cẩn thận đặt trên miệng thúng một lá vả đậy lại. Khắp các đường làng, ngõ xóm và bến nước đều rôm rả tiếng nói cười; nhộn nhịp những bước chân gánh nước hối hả của các o các mệ. Có cảm tưởng dù nắng gió xứ Huế có khắc nghiệt đến đâu nhưng chỉ cần nhìn thấy khung cảnh gánh nước về vườn, lòng người cũng sẽ mát rười rượi theo làn nước ngọt Ô Lâu, theo từng đòn gánh cong cong của người dân quê nồng hậu.

Mùa hè tràn về, khi xứ Huế không còn những cơn mưa rây rắc, cũng chẳng còn những đợt gió lành lạnh còn sót lại của năm cũ, nắng ấm dần rót mật lên từng khu vườn ở quê tôi, cây vả cũng bắt đầu ra trái. Vào mùa vả, trái ra chi chít ra khắp các gốc cây, từng chùm vả kết trái san sát nhau. Cây vả thông thường mọc thấp nhưng gốc lại khá to, lá to bản và xanh mướt như lá môn. Bóng cây tỏa im lìm cả một khoảng vườn, mát râm ran giữa những trưa hè oi nồng.

Trái vả nom xa hao hao như trái sung nên người xưa hay có câu tục ngữ "Lòng vả cũng như lòng sung". Tuy nhiên, trái vả theo quan sát của tôi thì có kích cỡ to hơn, khoảng bằng nắm tay, có lớp vỏ màu xanh lục, được bao bọc bởi một lớp lông tơ mịn ở bên ngoài. Những ngày còn thơ, cứ cuối xuân đầu hè hằng năm, khi mùa vả bắt đầu cũng là thời điểm bọn trẻ con làng tôi vô cùng hứng khởi. Cũng bởi, chỉ cần dạo quanh những khu vườn vả khi ấy, sẽ tha hồ ngẩn ngơ khi thấy cây nào cây nấy chi chít trái, từng chùm bám đầy vào thân cây, gợi cảm giác sum suê và thú vị cực kỳ. Bọn trẻ con chúng tôi khi ấy thường hay tụ tập quanh gốc cây vả, trò chuyện rôm rả. Bản tính trẻ con háu ăn nên chúng tôi thường háo hức đếm trái, để xem cây của nhà ai sai quả hơn. Tuy nhiên, cây vả nhiều đến mức bọn trẻ chúng tôi không tài nào đếm hết số quả trên cây, cứ quẩn quanh ngắm nhìn hết cây này đến cây khác.

Kể chuyện làng: Mùa vả xứ Huế, nỗi nhớ quê nhà - Ảnh 3.

Trái vả. Ảnh: Tác giả cung cấp

Vả vốn là loại dễ sinh trưởng, không cần tốn quá nhiều công chăm sóc nhưng trái vả lại được sử dụng để chế biến được nhiều món ăn ngon. Ngày còn bé, cứ mỗi khi tới mùa vả, anh em tôi thường tranh thủ thưởng thức ngay món vả tươi chấm mắm ruốc. Trái vả khi được hái từ trên cành xuống sẽ được mẹ rửa sạch và thái lát. Bọn trẻ chúng tôi sẽ nhanh nhẹn bỏ đầy một dĩa, đặt cạnh một chén mắm ruốc có nêm thêm tí ớt, chút chanh và tí đường.

Vị vả tương đối chát khi mới cắn vào sẽ ngấm trên đầu lưỡi, sau đó chuyển sang hương vị giòn giòn, rất đơn thuần mà lại cuốn hút đến kỳ lạ. Bữa cơm nhà nghèo, chỉ cần quẹt vả với ruốc rồi ăn cơm thì không gì sánh bằng. Chắc cũng vì lẽ đó mà hôm nào có chế biến món này mẹ tôi cũng phải đong thêm bát gạo để ăn cho đã thèm. Thi thoảng, để đổi vị cho gia đình, mẹ tôi còn hay kho vả với cá, thịt hay muối chua ăn cũng rất ngon.

Khi ghé quê tôi vào mùa này, mấy ai mà bỏ qua được nhiều món ngon từ vả. Bản thân tôi vẫn mê món vả trộn. Trái vả hái từ vườn thông thường sẽ được mẹ tôi luộc sơ qua để bỏ bớt vị chát rồi xắt lát thật mỏng, sau đó bóp cùng với tai heo, rau răm. Chỉ đơn thuần như thế là có món vả trộn. Nếm thử sẽ thấy rõ vị sừng sực của tai heo hòa cùng chút giòn giòn của vả.

Đặc biệt hơn, vả không chỉ để ăn mà còn được chế biến để làm thức uống. Thông thường, người ta sẽ lựa chọn những trái vả hơi non được hái từ vườn. Sau khi trải qua các công đoạn thái sợi, phơi nắng, "sao" thì vả có thể dùng để chế trà. Tách trà vả có màu đỏ nhẹ, sóng sánh, tỏa mùi thơm đặc trưng đến khó tả. Nhấm nháp vài ngụm sẽ thấy trà có vị chát nhẹ, ngọt ở hậu vị. Một sớm mai ở xứ Huế, sương ban mai đỏng đảnh giăng mắc, ngồi nhấm nháp một ngụm trà vả bên đĩa mè xửng, thấy lòng bình yên vô kể.

Trở lại quê hương vào một chiều mùa hạ, tôi được mẹ chuẩn bị cho mâm cơm chiều "đậm đà vị làng" từ những món quê đơn thuần. Bao giờ cũng thế, mẹ tôi thường dịu dàng bảo: "Con ăn thử vả trộn xem mẹ làm giống khi xưa không? Về quê mình vào mùa ni thì răng mà không ăn vả trộn cho được". Gắp một miếng vả trên đũa, tôi nghe được cả tình quê thổn thức.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.