Thiệt hại trong vụ cháy làm 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương ở Hà Nội không chỉ là những cái chết đau đớn, mà còn là hầu như toàn bộ tài sản của nhiều gia đình. Nhiều người đang cư trú ở đó là các trí thức và các gia đình trẻ, nhưng ngay cả việc có được một chỗ ở như ở toà nhà ấy, vốn cũng đang là mơ ước của rất nhiều người khác ở các đô thị, không chỉ ở Hà Nội.
Với mức thu nhập vừa phải, để có được mấy trăm triệu để mua, hay mấy triệu đồng để thuê một chỗ ở như vậy, vốn cũng đã là điều kiện chỉ một số ít những người làm việc ở các đô thị có thể đáp ứng được. Có rất nhiều người khác đã không thể có được một chỗ ở có đủ những điều kiện tối thiểu, có đủ an toàn, vì thu nhập của họ không đủ trang trải.
Chỉ vài thế hệ trước, khi một trí thức trẻ được tuyển dụng vào một cơ quan nhà nước, họ sẽ có thể được phân chia để sử dụng một phần của căn nhà tập thể, ngày nay thì không thể, mức lương khởi điểm của một công chức chắc chắn còn chưa đủ để có thể thuê một chỗ ở như chính chung cư mini vừa bị cháy. Những rào cản không vô hình như vậy chắc chắn sẽ ngăn cản những người trẻ tuổi muốn tìm kiếm một cơ hội ở các đô thị sau khi tốt nghiệp. Nhưng không chỉ vậy, chính các thanh niên sinh ra ở các đô thị, hoặc ở các làng xã ven đô, cũng sẽ gặp thách thức lớn, khi sẽ trở nên bơ vơ ở chính nơi họ sinh ra. Để có được một chỗ ở an toàn và có các điều kiện sinh hoạt tối thiểu là những thách thức lớn đến mức, nhiều người không thể vượt qua được, và nó còn lớn hơn, nếu họ muốn có gia đình, muốn sinh con và nuôi chúng lớn lên.
Tôi đã gặp thái độ tiêu cực và chán nản của những thanh niên Hồng Kông và Đài Bắc. Cậu thanh niên lái xe thuê thường chở tôi ở Đài Bắc dù khá hoạt bát, sử dụng tiếng Anh tốt và có chí hướng, nhưng trong các cuộc nói chuyện, cậu vẫn nói về sự bế tắc của thế hệ cậu, khi khả năng có thể trụ lại ở Đài Bắc trở nên xa vời. “Nhưng tôi cũng không thể quay lại quê, tôi không muốn, và cũng không thể làm nông dân như bố mẹ tôi, và nếu tôi quay lại, cũng không có nhiều việc để làm ở đó”.
Năng lượng tiêu cực từ những thanh niên bị mất phương hướng và bế tắc như vậy ở các đô thị khi bị dồn nén, sẽ trở thành những mối nguy cho xã hội, và cho chính họ.
Những vụ cháy như vừa xảy ra ở Hà Nội chắc chắn không phải là không làm chính những người dân đang sống trong các khu nhà tương tự, trong các chung cư, các khu dân cư, các phòng trọ,…lo ngại. Các cư dân trong đó, hay những người đến chăm nom người nhà ở các bệnh viện hôm nay, không phải không e ngại khi những vụ cháy ở Đê La Thành năm 2018 hay vụ cháy lần này, nhưng họ không có phương án nào khác, bởi điều kiện của họ chỉ có thể đáp ứng được những nơi ở như thế.
Họ có thể sắm thang dây để thoát hiểm, nhưng nếu chính quyền buộc họ rời khỏi nơi đang ở vì lý do an toàn cháy nổ, đơn giản là họ không thể, vì họ không có khả năng để tìm kiếm một nơi ở khác.
Hong Kong hay Đài Bắc cũng từng trải qua những thời gian như các đô thị ở nước ta, khi giá nhà đất tăng nhanh, và ở mức quá cao, vượt khả năng chi trả của những người lao động bậc trung.
Khi chúng ta phát triển các khu công nghiệp, khu sản xuất, nơi hàng vạn, hàng chục vạn lao động trẻ đổ về làm việc, hầu như không có và không đi kèm với các phương án tổ chức ăn ở, sinh sống cho hàng vạn gia đình mới. Cuối cùng, áp lực dân số và xã hội ấy sẽ đè nén lên các làng xã lân cận. Chúng ta từng làm theo cách khác, khi xây dựng một cơ sở công nghiệp, sẽ có một khu tập thể được xây dựng ở gần đó cho những người làm việc ở đó, như các khu tập thể từng mọc lên ở Cao-Xà-Lá ngay gần nơi vụ cháy vừa xảy ra, cạnh các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá.
Đã đến lúc, chúng ta cần phải nhận ra, không thể có sự phát triển bền vững, nếu không thật sự quan tâm đến các yếu tố xã hội như một phần của chiến lược phát triển. Chúng ta không thể nói quá nhiều về việc coi đất đai là tài nguyên, mà bỏ qua hay coi nhẹ việc cần sử dụng tài nguyên đó hợp lý để phục vụ những người lao động, lực lượng chính sẽ làm nên và xây đắp sự phồn vinh của xã hội.
Các dự án nhà ở xã hội, như cách chúng ta đang thảo luận, sẽ khó lòng đáp ứng được yêu cầu nhà ở và đảm bảo các điều kiện để người lao động có thể tiếp cận, nếu được giao cho các công ty bất động sản, bởi ưu tiên hàng đầu của họ sẽ phải là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhà ở xã hội sẽ cần và nên hướng đến việc cho thuê, hơn là để bán, và nên dành mọi ưu đãi có thể để phát triển nhà ở cho thuê, đặc biệt tại các trung tâm sản xuất – công nghiệp lớn, các khu vực đô thị hoá nhanh và có mật độ dân số cao. Chúng ta cũng nên nghĩ đến việc tạo ra cơ chế để các nhà đầu tư vào các cơ sở công nghiệp có thể thuận lợi và được miễn các loại thuế và chi phí, để xây dựng ký túc xá cho cán bộ và nhân viên sử dụng hoặc thuê…
Tôi thực tâm mong, khi thảo luận về Luật đất đai và Luật nhà ở trong kỳ họp tới, các vị đại biểu quốc hội sẽ nhớ về vụ cháy bi thảm ở Hà Nội.
Chính sách và luật pháp về đất đai và nhà ở cần phải hướng đến việc tạo lập chỗ ở ổn định, an toàn cho những người lao động, thay vì chỉ coi là "nguồn lực" để khai thác, để thu ngân sách.