Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Chí Trung – Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với Dân Việt, phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh do Media 21 thực hiện. Trong phim sẽ có nhiều mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thuật lại. Có nhiều thông tin chưa hề được công bố trên báo chí hoặc các văn bản chính thức.
Theo đó, đây sẽ tập phim đầu tiên giới thiệu đầy đủ và chân thực nhất về tiểu sử, sự nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Phim sẽ được thực hiện thành một serie, các tập phim phát triển theo hướng kể lại câu chuyện một cách chân thực nhất. Từ những câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của chính Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và câu chuyện về người lính mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ, khán giả sẽ có cái nhìn thực tế hơn về người lính nói chung.
Trong các mốc thời gian gắn với thời niên thiếu của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có chia sẻ với đoàn phim rằng, khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – ba ông vào Nam làm nhiệm vụ, gia đình ông phải đi sơ tán ở ngoại thành Hà Nội. Tháng 10/1966, ông cùng người thân đón ba mình về chữa bệnh ở Bệnh viện 354 (Hà Nội), lúc đó ông đang học lớp 1. Tháng 6/1967, gia đình ông trở về Hà Nội từ nơi sơ tán. Đó cũng là thời điểm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời. Tết năm 1968, 1969, từ trường phổ thông Nguyễn Bá Ngọc – nơi ông cùng bạn bè đang sơ tán, ông được đưa về Hà Nội ăn Tết cùng Bác Hồ.
Tháng 4/1969, ông được đi Liên Xô và một số nước Đông Âu. Tháng 9/1969, khi Bác Hồ qua đời, ông được về nước nhưng phải ở lại Trung Quốc một thời gian.
Quãng thời gian từ năm 1969 - 1972, ông học lớp 5C, 6C, 7G trường cấp II Chu Văn An – Hà Nội. Năm 1972, ông lại phải đi sơ tán lên trại sơ tán C12 – Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Lúc trở về, ông tiếp tục học 8C, 9C trường Chu Văn An. Ông tốt nghiệp lớp 10 trường Lý Thường Kiệt năm 1976. Từ tháng 10/1976 đến tháng 8/1977, ông đi bộ đội, vào Đoàn 871, Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Từ tháng 8 đến tháng 10/1976, ông theo học ở Trường Văn hóa ở Lạng Sơn. Ông nhớ, kết thúc kỳ thi năm đó ông được 23,5 điểm, trong khi đủ điều kiện để chọn đi học ở nước ngoài là 19,5 điểm. Tháng 10/1977, ông theo học tại Đại học Kỹ thuật Quân sự, lớp Công nghệ - khóa 12.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, sinh ngày 15/5/1957. Quê quán: xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; trú quán: số nhà 74, đường Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Sau một thời gian lâm bệnh, dù đã được Đảng, Nhà nước, quân đội, các giáo sư, bác sĩ và gia đình hết lòng chăm sóc, tận tình cứu chữa… song do bệnh nặng đồng chí đã từ trần hồi 1 giờ 17 phút ngày 14/9/2023 tại nhà riêng.
Một đoạn chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được đoàn làm phim ghi lại. Clip: Media21
Cuộc đời hơn 40 năm quân ngũ của ông để lại những di sản trong lĩnh vực tình báo quốc phòng, đối ngoại quốc phòng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại. Ông để lại hình ảnh của một con người hành động với tính cách quyết liệt, chắc chắn, "nói được, làm được", không né tránh những vấn đề được coi là nhạy cảm. Nhưng khí chất đó chỉ là phía ngoài của một bộ óc chiến lược với chiều sâu trí tuệ và sự kiên định hiếm có. Với trái tim nhân hậu của một con người dũng cảm, luôn chảy trong huyết quản một bổn phận sâu sắc đối với Tổ Quốc, với Nhân dân.
Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những công lao, cống hiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức Lễ tang Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh theo nghi thức Lễ tang Cấp cao.