Dân Việt

Các bảo vật quốc gia của Bình Định đang được bảo vệ, bảo quản đặc biệt, là tác phẩm điêu khắc Champa

Đình Phùng 18/09/2023 06:45 GMT+7
Tỉnh Bình Định hiện có 11 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Hầu hết các bảo vật quốc gia tại Bình Định đều là những tác phẩm điêu khắc Champa bằng chất liệu đá.
“Các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định đang được đặt trong chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt, trang trọng, an toàn và phát huy tích cực giá trị lịch sử - văn hóa, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.
Các bảo vật quốc gia của Bình Định đang được bảo vệ, bảo quản đặc biệt, là tác phẩm điêu khắc Champa - Ảnh 1.

Cặp tượng hộ pháp ở chùa Nhạn Sơn, tác phẩm điêu khắc Champa, bảo vật quốc gia của tỉnh Bình Định có niên đại thế kỷ XII - XIII.

 

Tỉnh Bình Định hiện có 11 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Hầu hết các bảo vật quốc gia tại Bình Định đều là những tác phẩm điêu khắc Champa bằng chất liệu đá.

Trong đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định đang trưng bày 6 bảo vật quốc gia, gồm: phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (niên đại đầu thế kỷ XII, công nhận năm 2015), phù điêu thần Brahma (niên đại cuối thế kỷ XII, công nhận năm 2016), cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (niên đại thế kỷ XII - XIV, công nhận năm 2017), phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII, công nhận năm 2020), phù điêu thần hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII, công nhận năm 2021).

Ngoài 6 bảo vật quốc gia nói trên, Bình Định còn 5 bảo vật quốc gia khác, gồm: cặp tượng hộ pháp ở chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (niên đại thế kỷ XII - XIII, công nhận năm 2020); tượng thần Shiva ở chùa Phật Lồi, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn (niên đại thế kỷ XV, công nhận năm 2018); cặp tượng voi đá ở thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (niên đại nửa sau thế kỷ XII, công nhận năm 2023).

Theo ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, bảo tàng đa dạng hóa hoạt động quảng bá bảo vật quốc gia bằng việc lồng ghép nhiều cuộc trưng bày chuyên đề lưu động, tại chỗ, xây dựng nhiều chương trình ngoại khóa đến các đối tượng học sinh, sinh viên, chú trọng thuyết minh chuyên sâu, có điểm nhấn để tạo sức hút…

Các bảo vật quốc gia của Bình Định đang được bảo vệ, bảo quản đặc biệt, là tác phẩm điêu khắc Champa - Ảnh 2.

Tượng thần Shiva ở chùa Phật Lồi, tác phẩm điêu khắc Champa, bảo vật quốc gia của tỉnh Bình Định có niên đại thế kỷ XV.

“Bảo tàng đã đón tiếp và phục vụ hàng triệu lượt khách đến tham quan, hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí đến khai thác, viết bài. 

Hiện nay, bảo tàng triển khai chương trình số hóa thông tin các hiện vật bảo tàng, nhất là các bảo vật quốc gia để du khách dễ dàng tra cứu thông tin liên quan đến những hiện vật độc đáo này, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và thu hút khách du lịch trong hành trình đến với di sản văn hóa Bình Định”, ông Tĩnh cho biết.

Theo ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, các bảo vật quốc gia nói trên góp phần khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo của tỉnh Bình Định trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Sau khi các hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định xây dựng chương trình, kế hoạch về bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.

“Các bảo vật quốc gia luôn được xử lý làm vệ sinh bảo quản hằng ngày. Hiện vật được trưng bày đặt trên bục, bệ trang trọng và đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt; có hệ thống thông gió làm thông thoáng hiện vật nhằm chống hư hỏng, kéo dài tuổi thọ và làm tăng giá trị cho hiện vật”, ông Giang cho biết.