Từ tiên phong "Zero fee" đưa thanh toán không tiền mặt vào cuộc sống
Ngày nay, thanh toán online qua ngân hàng đang ngày càng trở nên phổ biến, và trở thành xu hướng trong thói quen tiêu dùng của người dân từ thành thị đến nông thôn. Từ các khu chợ truyền thống, cho đến các hàng tạp hóa nhỏ, giờ đây không khó để bắt gặp hình ảnh QR Code tài khoản ngân hàng được dán tại quầy để người tiêu dùng có thêm llựa chọn thanh toán. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán qua phương thức QR Code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an sinh xã hội... Các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế được được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn.
Đây chính là thành quả có được từ việc nhiều ngân hàng đã miễn phí chuyển tiền cho khách hàng, cùng đó là đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi như thanh toán di động, sử dụng QR Code, định danh điện tử eKYC... trong hoạt động thanh toán. Mà đơn vị đi tiên phong cho xu hướng này, chính là Techcombank.
Năm 2016, Techcombank là ngân hàng đầu tiên trên thị trường khi công bố chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển khoản điện tử online - Zero Fee, bất chấp thời điểm đó, nguồn thu từ phí chuyển khoản vẫn đang là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng. Nhiều người lúc đó đã đặt dấu hỏi về tính khả thi của việc áp dụng một mô hình rất mới, chưa từng có tiền lệ vào hoạt động của ngân hàng.
Tuy nhiên sau này, thời gian đã minh chứng, sự kiên định của Techcombank với ZeroFee là đúng đắn, và tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến khắp hệ thống ngân hàng. Ngay cả những ông lớn Big4 như Vietinbank, BIDV… cũng không đứng ngoài cuộc. Đến nay, trên thị trường có tới hàng chục ngân hàng đã miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng online.
Thanh toán "không tiền mặt" chắc chắn không thể phổ cập đến người dân như hiện nay, nếu như không có bản lĩnh tiên phong về Zero Fee của Techcombank.
Dẫn dắt hành trình chuyển đổi số tương lai với Cloud-first
Được lan tỏa tinh thần lấy khách hàng làm trung tâm, đồng hành cùng với hành trình trải nghiệm của khách hàng, các nhà băng khác cũng đang ngày càng nỗ lực để đem lại nhiều phương thức thanh toán tiện lợi, an toàn hơn. McKinsey cũng đánh giá, những năm gần đây, ngành ngân hàng Việt Nam nói chung đã được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi. Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025.
Một lần nữa, Techcombank cũng là người tiên phong cho xu hướng này.
Giai đoạn 2016 – 2020, nhà băng này đã chi 300 triệu USD cho các dự án chuyển đổi số, xoay quanh trục chiến lược "khách hàng là trọng tâm". Giai đoạn 2021 – 2025, Techcombank cam kết đầu tư tiếp 500 triệu USD cho hành trình chuyển đổi số hóa, bắt tay cùng các đối tác hàng đầu thế giới như Amazon, Backbase, Salesforce, Adobe… Nhà băng này cũng là thương hiệu ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển đổi nền tảng lên đám mây [cloud-first] cùng ông lớn thế giới Amazon Web Servies vào tháng 8/2021…
Ban Lãnh đạo ngân hàng lý giải, chính quyết sách 10 năm không chia cổ tức tiền mặt, được thực hiện từ năm 2013 đã giúp nhà băng này tích lũy nền tảng vốn và bổ sung nguồn lực cho các kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân hàng, trong đó có cơ sở hạ tầng công nghệ để phục vụ lợi ích của khách hàng. Nhờ vậy, Techcombank trong nhiều năm luôn là ngân hàng vẫn đang giữ vị trí hàng đầu về mức độ đầu tư cho công nghệ, thậm chí với mức độ đầu tư ngang hàng hoặc cao hơn hầu hết tất cả các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á.
Những đầu tư này đã giúp Techcombank ghi dấu ấn của "người tiên phong" về chuyển đổi số. Ứng dụng ngân hàng số Techcombank Mobile, kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 11/2021 đến nay, đã liên tục chinh phục được không chỉ những khách hàng khó tính trên App Store với 4,8/5 điểm, đồng thời, lọt vào "mắt xanh" của rất nhiều tổ chức đánh giá quy mô toàn cầu. Năm 2022 ghi nhận có đến 75% khách hàng thực hiện giao dịch hơn 35 lần/tháng trên kênh ngân hàng số, tức trung bình hơn 1 lần/ngày - cao hơn cả tỷ lệ giao dịch trung bình toàn cầu. Năm 2023, Techcombank được vinh danh 2 giải thưởng lớn từ Global Finance cho cả Techcombank Mobile với Ứng dụng Ngân hàng số tốt nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Techcombank Business với Nền tảng Ngân hàng số cho doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam.
"Ngoài những mục tiêu kinh doanh, những con số tăng trưởng, chúng tôi tập trung vào giải quyết những vấn để khách hàng đang quan tâm, những mục tiêu khách hàng vươn tới, mà ở đây là sự thịnh vượng, lan tỏa những giá trị tinh hoa và trường tồn qua nhiều thế hệ" – Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ Techcombank, ông Darren Buckley chia sẻ.
Tiên phong thúc đẩy hành trình kiến tạo di sản ngành ngân hàng
Hành trình kiến tạo di sản của gia tộc - ngân hàng Medici sau này đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trên khắp thế giới. Vienna, London hay New York sau này trở thành các trung tâm nghệ thuật cũng nhờ một phần lớn vào các thế lực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như gia tộc Rothschild, Barings hay Morgans.
Tại Việt Nam, ngân hàng tư nhân số 1 Việt Nam cũng đã ra mắt hai tòa nhà hội sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập [1993-2023], với kỳ vọng sẽ kiến tạo nên những di sản kiến trúc mới về tòa nhà ngân hàng cho các thành phố. Theo lãnh đạo Hội đồng Quản trị Techcombank, âm nhạc, kiến trúc và nghệ thuật là những giá trị trường tồn. Và hai tòa nhà hội sở mới mà Techcombank xây dựng không chỉ là sự đầu tư cho tương lai của ngân hàng, mà là cách để kiến tạo nên những công trình nghệ thuật đẳng cấp, tạo nên dấu ấn di sản kiến trúc cho thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tòa nhà Trụ sở chính Techcombank Quang Trung Hà Nội có sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế hiện đại với di sản kiến trúc đặc trưng Đông Dương, hòa quyện cùng những nét tinh tế mang đậm không gian lịch sử của phố cổ Hà Nội. Trong lúc, tòa nhà Hội sở Lê Duẩn, TP Hồ Chí Minh lại ghi dấu với tinh thần năng động và phóng khoáng đặc trưng của đầu tàu kinh tế miền Nam.
Quote: Hai tòa nhà hội sở mới của Techcombank không chỉ là sự đầu tư cho tương lai của ngân hàng, mà còn để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, tạo nên dấu ấn kiến trúc cho thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Điều đáng nói, cả 2 tòa hội sở Techcombank đều được thiết kế bởi tập đoàn hàng đầu thế giới Foster + Partners. Đây cũng là Cty thiết kế đã tạo dựng nên những biểu tượng kiến trúc như Trụ sở tập đoàn công nghệ Apple tại Mỹ, Sân vận động Wembley tại Anh, Ngân hàng HSBC tại Hong Kong…
"Như tinh thần kiến tạo di sản vượt thế hệ mà gia tộc tài chính Medici tại Florence (Italia), hay nhà Rothschild tại London đã để lại cho muôn đời, tôi nghĩ rằng, thước đo giàu có không phải chỉ là vật chất, mà là khả năng thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, sứ mệnh của Techcombank không chỉ là dẫn dắt hành trình số hóa của ngành tài chính, tạo động lực cho sự phát triển bền vững, mà còn góp phần xây dựng nên những giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tinh hoa cho cộng đồng, cho xã hội. Đây là lý do các tòa nhà hội sở Techcombank đã được đầu tư xây dựng hiện đại nhất, được tập đoàn kiến trúc hàng đầu thế giới Foster+Parners thiết kế, song phải bảo tồn và phát huy được kiến trúc di sản văn hóa ở mỗi thành phố mà chúng ta kế thừa", lãnh đạo Hội đồng Quản trị Techcombank chia sẻ.