Chị Minh cho biết muốn đi vào khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) sẽ bị kẹt xe ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). Ngoài ra, tại nhiều hướng khác cũng xảy ra tình trạng tượng tự.
Cụ thể, hướng Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) về Bến Vân Đồn (quận 4) kẹt ở cầu Kênh Tẻ. Hướng Dương Bá Trạc (quận 8) đi Trần Hưng Đạo (quận 5) kẹt cầu Nguyễn Văn Cừ. Từ đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè) về hướng Nguyễn Lương Bằng (quận 7) kẹt cầu Phước Long…
"Nói chung di chuyển từ khu vực phía Nam vào trung tâm TP giờ cao điểm là một điều khủng khiếp. Tôi thấy hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, trong khi cư dân sinh sống khu vực phía Nam của TP.HCM rất đông, chị Minh nói.
Tương tự, chị Lê Thị Trường Giang (30 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 7) làm việc tại TP.Thủ Đức, chia sẻ mỗi khi đi làm chị cảm thấy mệt mỏi vì tình trạng ùn tắc giao thông.
"Khoảng cách từ nơi ở đến chỗ làm chưa đầy 15km, nhưng hàng ngày tôi đều phải bắt đầu ra khỏi nhà trước 7 giờ, bởi thời gian đi trên đường mất khoảng 60-70 phút vì kẹt xe. Trên đường đi, ám ảnh nhất là phải di chuyển trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4)", chị Giang chia sẻ.
Báo cáo dữ liệu giao thông quý II năm 2023 của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM, cho biết, tại khu vực phía Nam TP.HCM xuất hiện trở lại các điểm ùn tắc giao thông, mật độ phương tiện khu vực này tăng cao so quý I/2023.
Đặc biệt, tình trạng giao thông qua khu vực Dương Bá Trạc - khu vực cầu Kênh Xáng vẫn còn phức tạp nhất là vào giờ cao điểm. Đường Cầu Kênh Tẻ, đường Nguyễn Tất Thành có mật độ phương tiện lưu thông qua khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu giảm so với quý I.
Đánh giá về hệ thống đô thị phía Nam TP, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM đã chỉ ra rằng, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là trung tâm chính đã phát triển ổn định, nhưng trục chính Bắc Nam kết nối từ trung tâm (đường Nguyễn Hữu Thọ) lộ giới nhỏ, đã sớm hình thành các cao ốc chung cư dọc tuyến, gây nghẽn cục bộ.
Các tuyến giao thông xương cá ngang tuyến Nguyễn Văn Linh để kết nối các trung tâm phụ chưa hoàn chỉnh…
Cũng giống như bao người dân khác ở khu vực phía Nam TP.HCM, hàng ngày chị Minh, chị Giang đều ngóng trông các dự án giải cứu kẹt xe.
"Tôi chỉ mong TP sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực này. Đồng thời, có thể mở rộng các cửa ngõ vào trung tâm, để giao thông thông thoáng hơn, giúp người dân không còn tốn thời gian vào việc di chuyển như trước nữa", chị Minh bộc bạch.
Thực tế cho thấy, TP.HCM đã khởi công xây dựng và lên kế hoạch cho nhiều dự án nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ở khu vực phía Nam, như xây hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; cầu Phước Long; cầu Rạch Đỉa; cầu đường Nguyễn Khoái; mở rộng đường Nguyễn Tất Thành; mở rộng cầu đường Bình Tiên; cầu Thủ Thiêm 4... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, như giải phóng mặt bằng, thiếu vốn... các dự án chưa thể khởi công hoặc hoàn thành.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), cho hay từ việc hai cây cầu Long Kiểng, Vàm Sát 2 mới được thông xe, có thể thấy hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực phía Nam TP đang được tập trung phát triển, hoàn thiện.
Ngoài cầu Rạch Đỉa và cầu Phước Long đang thi công, còn lại cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Về cầu hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, dự kiến trong tháng 10/2023 công tác di dời các công trình tiện ích điện, nước ở khu vực xung quanh nút giao hoàn thành, khu vực hầm HC2 sẽ tiếp tục thi công. Ban Giao thông sẽ phấn đấu thi công song song 2 hầm để kịp thông xe hầm HC2 vào 30/4/2024 và thông xe HC1 vào cuối năm 2024.
Trong tương lai, TP sẽ tiếp tục mở rộng quốc lộ 1A, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, triển khai dự án cầu đường Bình Tiên... để tạo thành một trục Bắc – Nam mới. Đồng thời, kết nối vào quốc lộ 50 (đang mở rộng) và Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở ra không gian phát triển đô thị cho khu Nam TP.
Bên cạnh đó, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và các trục đường theo hướng Đông – Tây cũng sẽ được triển khai, để khu vực phía Nam TP thực sự nối kết.