Dân Việt

Nhờ chính sách này, người nuôi tôm, cá ở TP.HCM đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm

Trần Khánh 19/09/2023 11:18 GMT+7
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay của TP.HCM cho thấy, với 1 đồng “vốn mồi” từ ngân sách, đã huy động được 21 đồng vốn từ cộng đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp

Chính sách hỗ trợ lãi vay tạo đòn bẩy phát triển nông nghiệp TP.HCM

Ngoài việc triển khai chính sách hỗ trợ của Trung ương, TP.HCM còn chủ động xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo đặc thù riêng của Thành phố.

Đặc biệt, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TP.HCM đã triển khai thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay, được thực hiện xuyên suốt từ năm 2011, theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011; Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2016; Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017.

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả (lúa, mía) sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Điển hình như cá Koi kiểng đạt lợi nhuận trung bình 50% (doanh thu bình quân đạt 10-15 tỷ đồng/ha/năm). Ảnh: Trần Khánh

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả (lúa, mía) sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Điển hình như cá Koi kiểng đạt lợi nhuận trung bình 50% (doanh thu bình quân đạt 10-15 tỷ đồng/ha/năm). Ảnh: Trần Khánh

UBND TP.HCM cho biết, đây là chính sách lớn, đặc thù của ngành nông nghiệp, đã thu hút được đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Với mức hỗ trợ từ 60-100% lãi suất (tùy từng hạng mục đầu tư), kết quả thực hiện đã có 24.634 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 13.896 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi vay 8.435 tỷ đồng, ngân sách đã giải ngân hỗ trợ lãi vay 673 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện cho thấy, với  1 đồng "vốn mồi" từ ngân sách, đã huy động được 21 đồng vốn từ cộng đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Nhờ việc triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từ năm 2011 đến nay, nông nghiệp Thành phố đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Chính sách chuyển dịch giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả (lúa, mía) sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Điển hình như cá Koi kiểng đạt lợi nhuận trung bình 50% (doanh thu bình quân đạt 10-15 tỷ đồng/ha/năm); hoa lan mokara đạt lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm); tôm đạt lợi nhuận trung bình 30% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 1,6-3 tỷ đồng/ha/vụ); hoa mai đạt lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm).

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác tăng đều qua các năm; từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, lên 375 triệu đồng/ha năm 2015, lên 502 triệu đồng/ha năm 2018 và đến cuối năm 2022 đạt 570 triệu đồng/ha.

Một kết quả nổi bật nữa của chính sách dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm.

Chính sách dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giúp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp. Ảnh: Trần Khánh

Chính sách dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay giúp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn TP.HCM là 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 172,32% so với năm 2010.

Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp. Năm 2008, thu nhập khu vực nông thôn bằng 55,5% thành thị; năm 2019 là 72,57% và năm 2021 là 83,46%.

Tại Chương trình Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân Thành phố năm 2023 mới đây, ông Phan Văn Mãi -  Chủ tịch UBND TP.HCM một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhiệm kỳ 2020-2025, TP.HCM xác định tiếp tục phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, TP.HCM sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ.