Kết quả, đến thời điểm ngày 31/8, 17 bộ ngành cơ quan trung ương giải ngân được hơn 44,12% số vốn giải ngân được giao (hơn 43.000 tỷ đồng), tương ứng số giải ngân thực tế chỉ 18.972 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ giải ngân được hơn 1.100 tỷ đồng. Nhiệm vụ còn lại của 4 tháng cuối năm là phải giải ngân hơn 24.000 tỷ đồng, tương đương mỗi bộ, ngành cần giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng.
Bình quân mỗi tháng của 8 tháng đầu năm, mỗi bộ ngành chỉ giải ngân được hơn 137 tỷ đồng/tháng, trong khi đó, nhiệm vụ còn lại 4 tháng cuối năm, thách thức hơn rất nhiều, đòi hỏi mỗi bộ phải giải ngân hơn 350 tỷ đồng/tháng, gấp 2,5 lần số giải ngân thực tế đạt được của một bộ trong 8 tháng qua.
Trong số 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác, có 4 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, gồm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (58,49%), Bộ Quốc phòng (50%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (48,2%) và Hội Nông dân Việt Nam (48,16%). Một số bộ, ngành còn lại có mức giải ngân dưới 10% hoặc chưa giải ngân.
Các bộ, cơ quan phản ánh, một số dự án chậm đều là các dự án mới, dự án mua sắm thiết bị chuyên dùng, dự án xây dựng trụ sở cơ quan của các bộ, ngành ở địa phương, các dự án công nghệ thông tin… phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, nên đòi hỏi cần có thời gian.
Theo chia sẻ kinh nghiệm giải ngân của các bộ, ngành trung ương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cơ quan này đều phân công một thứ trưởng phụ trách trực tiếp công tác xây dựng cơ bản; giao các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số liệu giải ngân theo thời gian thực; giao ban định kỳ hằng tháng với tất cả các chủ đầu tư, nhà thầu; phân loại từng nhóm dự án để có phương án xử lý vướng mắc; thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá tiến độ hằng tháng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đề nghị các bộ, cơ quan khi làm dự án phải lưu ý tuân thủ 3 quy hoạch, gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; chú trọng ưu tiên bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.
Thứ trưởng Đỗ Thành Chung cho biết mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép điều vốn giữa các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tăng tiến độ giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện nội dung này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những bước tiến tích cực của các bộ, cơ quan kể từ phiên họp của Tổ công tác tháng 4/2023, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đến cuối năm, nhất là các bộ, cơ quan có được phân bổ số lượng vốn đầu tư công lớn.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan phải tích cực cố gắng quyết liệt hơn; lập kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án đầu tư, trong đó phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, nhất là đối với các bộ, ngành không có cơ quan chuyên trách về đầu tư để tránh sai sót, mất cán bộ; thực hiện nghiêm việc báo cáo tiến độ giải ngân hằng tháng về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Phó Thủ tướng lưu ý đối với các dự án đầu tư công trong tương lai, các bộ, cơ quan phải xem xét thấu đáo những điều kiện, khả năng giải ngân, nhất là về giải phóng mặt bằng, đền bù, quy hoạch…, tránh tình trạng đưa vào kế hoạch nhưng nhiều năm không giải ngân được và phải trả lại vốn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ việc các bộ, cơ quan trả lại vốn chỉ với mục đích để làm đẹp tỉ lệ giải ngân của bộ, cơ quan mình; nếu bộ, cơ quan nào làm như vậy thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng đề nghị trong quá trình thực hiện các công trình, dự án đầu tư công, các bộ, cơ quan gặp khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cùng các tổ công tác khác để có giải pháp tháo gỡ.