Mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đi qua địa phân 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú.
Trong khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư 2 dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Đến thời điểm hiện tại, dự án cao tốc đoạn Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP.
Hiện, 2 đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn riêng đoạn Bảo Lộc - Liên Khương cũng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước đó, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được nghiên cứu với chiều dài khoảng 201km với quy mô 4 làn xe. Trong đó, đoạn Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài 60km, Tân Phú – Bảo Lộc dài 67km và Bảo Lộc – Liên Khương dài 74km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tuy nhiên, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã xác định tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ có tổng chiều dài rơi vào khoảng 220km, tức sẽ dài hơn 19km so với nghiên cứu ban đầu.
Trong 3 dự án cao tốc nói trên, đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được phê duyệt chủ trương vốn đầu tư cao nhất với hơn 8.300 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn của nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Trong khi đó, đoạn tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng vốn đầu tư khoảng 17.200 tỷ đồng, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án là khoảng 6.500 tỷ đồng. Đoạn tuyến cao tốc này dự kiến sẽ được đưa vào khai thác năm 2026.
Đoạn tuyến Bảo Lộc - Liên Khương có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 19.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước tham gia khoảng hơn 7.700 tỷ đồng.
Hiện, trên cơ sở phê duyệt của các cấp thẩm quyền, Bộ GTVT và địa phương đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ yêu cầu theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Được biết, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, đặc biệt là giữa các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang.
Song song đó, việc cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được hoàn thành sẽ còn giúp giải quyết tình trạng quá tải, thường xuyên kẹt xe, ùn tắc nghiêm trọng mỗi dịp lễ tết xảy ra trên Quốc lộ 20.