Càn Long không chỉ nổi danh là ông vua đa tình nhất Trung Hoa mà còn là người có tình yêu cuồng nhiệt với nghệ thuật, đặc biệt là tranh vẽ. Cũng vì vậy mà trong số những vị quan được Càn Long ưu ái nhất có cả Lang Thế Ninh - họa sĩ nổi danh từng phục vụ cho hoàng thất suốt 50 năm, qua 3 đời Hoàng đế là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long. Lang Thế Ninh cũng chính là người được Càn Long giao trọng trách vẽ chân dung của mình, Hoàng hậu và 12 Phi tần mà ông yêu thương nhất.
Sau khi Lang Thế Ninh hoàn thành, Càn Long cực kỳ hài lòng. Ông coi đó là báu vật và cất giấu không muốn cho ai biết. Cả đời Càn Long cũng chỉ xem qua bức tranh này 3 lần là lúc mới hoàn thành, trong tiệc đại thọ 70 tuổi và lúc ông giao lại bức tranh cho con trai là Hoàng đế Gia Khánh cất giữ.
Trước khi chết, Càn Long đã cẩn thận gọi Hoàng đế Gia Khánh đến gặp mình và dặn dò: "Đem bức tranh này cất ở trong cái hộp niêm phong thật kín. Nếu như sau này có ai nhìn thấy bức tranh thì phải lăng trì xử tử". Gia Khánh đế không dám trái ý vua cha nên đã giấu hộp đựng tranh trong vườn Viên Minh. Sau này vườn Viên Minh bị liên minh 8 nước phá hủy, bức tranh cũng bị lưu lạc đến bảo tàng mỹ thuật ở Mỹ và cho đến tận vài năm gần đây mới chính thức được hé lộ.
Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, hay còn gọi là Phú Sát Hoàng hậu. Bà xuất thân trong gia đình quý tộc lừng lẫy của Mãn Thanh, có bố, các bác và anh em đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Ngay từ nhỏ, bà đã được nuôi dạy kỹ lưỡng nên rất được Hoàng đế Ung Chính coi trọng, xem là bậc mẫu nghi tương lai của đại Thanh.
Năm 16 tuổi, bà được Ung Chính hoàng đế phong làm phúc tấn cho Hoằng Lịch. Sau khi Hoằng Lịch lên ngôi, lấy niên hiệu là Càn Long đã lập bà làm Hoàng hậu. Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu nổi tiếng hiền lành, tiết kiệm nên rất được Càn Long sủng ái, tôn kính. Năm Càn Long thứ 13, bà cùng Hoàng đế đi đông tuần rồi qua đời khi đang trên đường quay về.
Bà sinh cho Càn Long 2 người con trai và 2 người con gái. Tuy nhiên ngoại trừ con gái thứ 2 là Cố Luân Hòa Kính Công chúa thì 3 người con còn lại của bà đều chết yểu.
Quý phi hay còn gọi là Tuệ Hiền Hoàng quý phi vốn họ Cao thị, xuất thân từ tầng lớp bao y (nô tài phục vụ riêng cho Tương Hoàng kỳ). Dù gia tộc không thuộc hàng hiển hách nhưng vẫn có chức quyền. Tuy nhiên vì xuất thân bao y nên ban đầu bà chỉ được Ung Chính tuyển vào phủ của Bảo thân vương Hoằng Lịch để hầu hạ, phong làm sử nữ. Sau đó Ung Chính mới thăng bà lên làm Trắc Phúc tấn.
Dù xuất thân không cao nhưng Cao Thị vẫn rất được Càn Long sủng ái. Sau khi đăng cơ, ông đã phong bà làm Quý phi, cũng nâng gia tộc Cao thị vốn làm bao y lên thành Tương Hoàng kỳ. Bà là người duy nhất được phong làm Quý phi lúc bấy giờ và địa vị chỉ dưới Hoàng hậu. Năm Càn Long thứ 10, Cao thị bị bệnh nặng nên được Càn Long nâng lên thành Hoàng quý phi và mất sau đó vài ngày. Khi đó bà chỉ mới 24 tuổi.
Thuần phi là một trong những phi tần được Càn Long sủng ái nhất. Bà vốn họ Tô là người Hán con nhà thường dân chứ không xuất thân từ danh gia vọng tộc. Sau khi trưởng thành, bà nhập phủ Bảo thân vương làm cách cách (cách gọi thị thiếp của vương công quý tộc Mãn Thanh). Vì xuất thân bình dân nên dù sinh con bà vẫn không được nâng lên làm Trắc phúc tấn.
Sau khi Càn Long lên ngôi, bà được phong làm Thuần tần rồi 1 năm sau đó lại được phong lên làm Thuần phi. Gia tộc bà nhờ vậy mà được sát nhập vào Hán quân Chính Bạch kỳ. Năm Càn Long thứ 10, Thuần phi lại được thăng lên làm Thuần quý phi. Khi này địa vị của bà chỉ dưới Hoàng hậu và Cao thị, trên cả Nhàn phi là Kế Hoàng hậu sau này.
Năm Càn Long thứ 25, bà lâm trọng bệnh nên được phong làm Hoàng quý phi rồi qua đời sau đó vài ngày, hưởng thọ 48 tuổi. Thuần phi sinh cho hoàng đế 2 hoàng tử và 1 công chúa.
Gia phi là người gốc Triều Tiên, xuất thân từ bao y. Bà nhập phủ Hoằng Lịch với thân phận cách cách. Sau khi Càn Long lên ngôi, bà được làm Quý nhân. Năm Càn Long thứ 6 bà được phong làm Gia phi. Năm Càn Long thứ 13 bà lại được tấn phong làm Gia quý phi. 7 năm sau đó, bà lâm trọng bệnh qua đời ở tuổi 42 và được truy tặng thụy hiệu là Thục Gia Hoàng quý phi.
Bà sinh cho Càn Long 4 người con trai. Ngoại trừ con trai thứ 3 là Cửu aka chết yểu thì 3 người còn lại đều được phong làm thân vương.
Lệnh phi là mẹ đẻ của Hoàng đế Gia Khánh. Bà xuất thân từ gia tộc Ngụy thị do Chính hoàng kỳ bao y quản lý. Sau này khi Gia Khánh đế đăng cơ, ông đã nâng gia tộc bên ngoại thành Tương Hoàng kỳ, đổi họ thành Ngụy Giai thị. Bà cũng được con trai truy phong làm Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu.
Bà nhập cung với thân phận là cung nữ. Năm Càn Long thứ 10, bà được sủng hạnh và phong làm quý nhân. Cùng năm Càn Long lại phong bà làm Lệnh Tần. 3 năm sau đó, Lệnh tần được nâng lên thành Lệnh phi. Năm Càn Long thứ 25, Lệnh phi lại được thăng lên làm Lệnh quý phi, bà cũng là Quý phi duy nhất không có xuất thân hiển hách. Năm Càn Long thứ 30, Ô Lạp Na Lạp Hoàng hậu bị thất sủng, Lệnh quý phi được tấn phong làm Hoàng Quý phi và cai quản hậu cung. Năm Càn Long thứ 40, bà qua đời ở tuổi 47.
Có thể nói Lệnh phi là vị phi tần sinh được nhiều con nhất trong lịch sử nhà Thanh, bao gồm 4 hoàng tử và 2 công chúa. Trong đó có 2 hoàng tử chết yểu còn 2 công chúa phải lấy chồng Mông Cổ và đều qua đời khi mới hơn 20 tuổi.
Thư phi xuất thân cực kỳ hiển hách từ Chính hoàng kỳ. Bà nhập cung vào năm Càn Long thứ 14 khi mới 14 tuổi và được phong làm Quý nhân. 1 tuần sau đó bà lại được sắc phong làm Thư tần rồi thăng lên làm Thư phi vào cùng năm. Bà qua đời vào năm Càn Long thứ 42, hưởng thọ 50 tuổi.
Thư phi sinh được người con duy nhất là Thập Hoàng tử nhưng lại chết yểu khi mới 3 tuổi.
Khánh tần vốn họ Lục xuất thân là người Hán. Bà nhập cung vào năm Càn Long thứ 5 và được phong làm Quý nhân. 10 năm sau bà được tấn phong làm Khánh Tấn. Năm Càn Long thứ 24 bà tiếp tục được thăng lên làm Khánh phi. Năm Càn Long thứ 33, bà được tấn phong làm Khánh Quý phi và được Càn Long giao nhiệm vụ nuôi dưỡng Hoàng đế Gia Khánh từ khi ông mới chào đời.
Bà qua đời vào năm Càn Long thứ 39. Sau này được Gia Khánh truy phong làm Khánh Cung Hoàng quý phi.
Dĩnh tần tức Dĩnh Quý phi. Bà xuất thân Mông Cổ tương hồng kỳ và là người Mông Cổ chính gốc. Bà nhập cung vào năm Càn Long thứ 13, sắc phong làm Quý nhân. Đến năm Càn Long thứ 16 thì thăng làm Dĩnh tần. Năm Càn Long thứ 24, bà lại được sắc phong làm Dĩnh phi rồi ở vị trí này cho đến khi Càn Long thành Thái Thượng hoàng. Năm Gia Khánh thứ 3, Thái Thượng hoàng Càn Long hạ chiếu phong bà làm Quý phi. Bà qua đời làm năm Gia Khánh thứ 5, 20 ngày sau khi được tổ chức thọ thần 70 tuổi.
Hãn tần xuất thân là gia tộc Đới Giai thuộc Mãn Châu tương hoàng kỳ. Cha bà là tổng đốc Na Tô Đồ, trọng thần dưới 2 triều Ung Chính và Càn Long từng làm đến chức Thượng thư, Tổng đốc... Na Tô Đồ qua đời trong lúc trị thủy nên Càn Long đã nhập bài vị của ông vào từ đường dành riêng cho các đại thần có công với triều đình. Bản thân Đới Giai thị cũng được đưa vào cung và phong làm Hãn tần. Năm Càn Long thứ 28, Hãn tần được tấn phong làm Hãn phi. Tuy nhiên nửa năm sau đó bà lại qua đời đột ngột khi đang mang thai lần 3. Càn Long vì thương tiếc nên đã nâng bà lên thành Quý phi.
Hãn tần sinh cho Càn Long 2 công chúa nhưng cả 2 đều chết yểu.
Đôn phi hay còn gọi là Uông thị, mẹ đẻ của Cố Luân Hòa Hiếu công chúa - công chúa được Càn Long yêu thương nhất. Đôn phi nhập cung vào năm Càn Long thứ 29 và được phong làm Vĩnh thường tại. Chỉ thời gian ngắn sau đó bà đã chiếm được trái tim Càn Long và nhanh chóng thăng lên làm Quý nhân. Càn Long năm thứ 35, bà lại được phong làm Đôn tần rồi thành Đôn phi vào năm thứ 39. Bà từng bị giáng chức làm Đôn tần vì đánh chết một cung nữ. Nhờ công chúa Cố Luân Hòa Hiếu mà sau đó lại được phục hồi phong hiệu Đôn phi.
Thuận phi xuất thân từ gia tộc Nữu Hỗ Lộc của Mãn Châu. Bà cô tổ của Thuận phi chính là Hiếu Chiêu Nhân hoàng hậu của hoàng đế Khang Hy. Năm Càn Long thứ 31, bà nhập cung với phong hiệu Thường quý nhân. 2 năm sau đó được thăng lên làm Thuận tần. Năm Càn Long thứ 41, bà được sắc phong làm Thuận phi. Tuy nhiên đến năm Càn Long thứ 53 bà lại bị giáng xuống thành Thuận Quý nhân mà không rõ lý do. Tháng 2 cùng năm đó bà đột ngột qua đời.
Tuân tần xuất thân từ gia tộc Y Nhĩ Căn Giác La thuộc Mãn Châu tương lam kỳ. Bà tiến cung vào năm Càn Long thứ 41 và được phong làm Tuân tần. Năm Càn Long thứ 59, bà được sắc phong làm Tuân phi. Bà qua đời vào năm Gia Khánh thứ 2 và được tổ chức lễ tang theo phẩm cấp quý phi.