Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 15/09/2023, chưa có đợt phát hành nào trong tháng 9. Tháng 8 đã có 30 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 30.657 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,02%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2-5 năm.
Trong đó, có tới 17.954 tỷ đồng giá trị phát hành đến từ mảng ngân hàng, 10.753 tỷ đồng đến từ bất động sản, 1.900 tỷ đồng đến từ mảng vận tải và còn lại 50 tỷ đồng đến từ mảng chứng khoán (của Công ty Cổ phấn Chứng khoán Dầu khí- lãi suất 9,95%/năm và với kỳ hạn 3 năm).
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 140.417 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 11,73% tổng giá trị phát hành) và 113 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 123.941 tỷ đồng (chiếm 88,27% tổng số).
Được biết, ngành ngân hàng chiếm đa số trong khối lượng phát hành 8 tháng đầu năm, chiếm 41,1%, theo sau là nhóm bất động sản chiếm 35,1%. Nhóm ngành hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, xây dựng và khác chỉ chiếm phần rất nhỏ trong tổng giá trị phát hành.
Theo dữ liệu được VMBA tổng hợp, các doanh nghiệp đã mua lại 2.225 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 169.840 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,7% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 87.838 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 106.953 tỷ đồng. 36% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 38.461 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 30.660 tỷ đồng (chiếm 28,6%).
Kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023:
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 800 tỷ đồng, số lượng tối đa là 8.000 trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.
Công ty Cổ Phần Hàng không Vietjet đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng, số lượng 20.000 trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất cố định tối đa 12%/2 kỳ đầu, các kỳ sau = LSTK 12T VNĐ (VCB, BIDV, VIETIN, HDB) + 3,5%/năm.
Ngoài ra, về thị trường trái phiếu thứ cấp, giá trị giao dịch thị trường thứ cấp đạt 23.800 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch thông thường (outright) trung bình ngày tăng 17%, giá trị giao dịch mua bán lại (repo) trung bình ngày giảm 47% so với tuần trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 233 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong kỳ. Lợi suất trái phiếu chính phủ tại phòng giao dịch của VBMA tăng nhẹ so với tuần liền trước.
Về thị trường trái phiếu sơ cấp, ngày 13/09, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 5.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm. Các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm đều trúng thầu toàn bộ. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành từ đầu năm tới nay là 239.446 tỷ đồng, tương ứng gần 60% kế hoạch năm.