Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Phát biểu tại phiên làm việc thứ nhất về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua 2018-2023, ông Trần Đình Ước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh nhấn mạnh, một trong những kết quả nổi bật của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh trong 5 năm qua trong việc hỗ trợ nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, nông nghiệp tại Hà Tĩnh phát triển theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm đặc sản, riêng có của vùng miền, địa phương thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh trong chuỗi giá trị nông sản quốc gia, theo 3 vùng sinh thái.
Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 1,33%. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 48,8% lên trên 53%; tỷ trọng nhóm các sản phẩm chủ lực tăng từ 30,4% lên trên 46%; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 49% xuống còn 43%. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha.
Năng suất lao động của người nông dân từng bước được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 27 triệu đồng (năm 2018), lên 45 triệu đồng (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo: 3,79% (năm 2018: 6,92%), hộ cận nghèo: 4,04% (năm 2018: 6,57%).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm thay đổi diện mạo nông thôn, hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, "miền quê đáng sống"; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đến nay, có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; 177/181 xã đạt chuẩn, 50/181 xã đạt chuẩn nâng cao, 7/181 xã đạt chuẩn kiểu mẫu.
Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Kết quả, đã tuyên truyền cho 1.516.300 lượt người.
Công tác tổ chức, xây dựng Hội được các cấp Hội quan tâm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo chuyên đề, xây dựng các tổ nông dân nòng cốt ở cơ sở; đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp, mở rộng đối tượng phát triển hội viên.
Trong nhiệm kỳ kết nạp 23.171 hội viên, nâng số hội viên trong toàn tỉnh 227.479 hội viên, chiếm tỷ lệ 86,7% so với hộ nông dân; Chỉ đạo các cấp Hội thành lập 653 tổ hội, 29 chi hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã thực hiện được 10.768 cuộc kiểm tra, giám sát (đạt 112,6 % chỉ tiêu Nghị quyết); riêng cấp tỉnh tiến hành được 15 cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề. Ngoài giám sát theo chuyên đề, các cấp Hội đã chú trọng, quan tâm đúng mức đến giám sát thường xuyên. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện được không ít tồn tại, yếu kém và đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn chấn chỉnh, khắc phục.
Trong nhiệm kỳ có 6 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh nông dân xuất sắc; Ngoài ra, có 3 tập thể và 9 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 64 tập thể và 106 cá nhân được Trung ương Hội tặng Bằng khen; UBND tỉnh tặng Cờ cho 6 tập thể, tặng bằng khen 24 tập thể, 42 cá nhân; BCH Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen cho 135 tập thể và 155 cá nhân; trao tặng 705 kỷ niệm chương.
Hội Nông dân tỉnh xây dựng 13 mô hình Chi hội nông dân số; tổ chức 111 lớp tập huấn, 218 cuộc hội thảo, 1.987 buổi truyền thông. Có 1.069 mô hình, thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng là 5.889 mô hình, thu nhập từ 100 đến dưới 500 triệu đồng là 86.256 mô hình.
Vận động 20.376 triệu đồng, 95.300 ngày công, hỗ trợ cây giống, con giống trị giá 13.692 triệu đồng giúp 17.043 hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ ngày công và kinh phí sửa chữa và xây mới 125 nhà với số tiền 3.755 triệu đồng.
Xây dựng và nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo, giúp 3.245 hộ thoát nghèo bền vững. Tặng 20 ngàn suất quà, trị giá 500 ngàn đồng/ suất cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 55,841 tỷ đồng, tăng 30,217 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nông dân. Tính đến tháng 9/2023, tổng dư nợ 3 ngân hàng, đạt 4.990 tỷ đồng, tăng 1.490,841 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước.
Trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 16.702 lao động, gắn đào tạo với cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, hỗ trợ thành lập tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã.
Chuyển đổi số gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng là trọng tâm
Ông Trần Đình Ước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh khẳng định, một trong những khâu trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa và sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, thương mại điện tử; gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức trong sáng, đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, góp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ tới
1. 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị của tổ chức Hội.
2. Trên 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và Chi hội trưởng được trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, chuyển đổi số, nghiệp vụ công tác Hội.
3. Giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp mới ít nhất 1.500 hội viên ưu tú vào Đảng.
4. Thành lập ít nhất 65 chi Hội Nông dân nghề nghiệp; trên 2.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; hỗ trợ thành lập mới 65 Hợp tác xã, trên 1.000 tổ hợp tác.
5. 100% Hội Nông dân cấp huyện chủ trì tổ chức được các cuộc giám sát, phản biện xã hội.
6. 100% cơ sở Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó ít nhất 40% cơ sở Hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 100% Chi hội đảm bảo quỹ hoạt động Hội.
7. Hằng năm, có từ 75% số hộ nông dân đăng ký và có từ 60% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
8. 100% hộ hội viên cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.
9. 100% khu dân cư NTM kiểu mẫu, TDP mẫu, KDC thông minh, vườn sinh thái do Hội Nông dân các cấp vận động xây dựng được duy trì và phát triển.
10. 100% gia đình nông dân đạt gia đình văn hóa; vận động ít nhất 90% hộ hội viên, nông dân thực hiện thu gom, phân loại xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt đảm bảo đúng quy định.
11. Hằng năm, vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh tăng trưởng ít nhất 10%, cấp huyện tăng trưởng ít nhất 30%; 100% chi Hội vận động đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân bình quân từ 10.000 đồng/hội viên/năm.
12. Trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 7.500 hội viên trở lên; cung ứng 40.000 tấn phân bón; hỗ trợ kết nối tiêu thụ 5.000 tấn nông sản.
13. Có trên 95 % hội viên tham gia bảo hiểm y tế; vận động từ 15.000 hội viên trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
14. Hỗ trợ ít nhất 10.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; mỗi cơ sở Hội thành lập ít nhất 01 tổ chuyển đổi số cộng đồng.
15. Vận động xây dựng ít nhất 13 mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm cộng đồng.